Vốn là người không hảo ngọt, vậy mà không hiểu tại sao tôi cứ nhớ mãi chén chè của bà Năm xóm tôi.
Ngon và sạch có lẽ là điều đầu tiên khiến người ta phải nhớ đến cái gánh chè đơn sơ ấy. Bà Năm chỉ sử dụng duy nhất loại chén sứ trắng để đựng chè dù cách đây vài chục năm, loại chén này còn khá đắt. Nồi chè được bà đậy vung cẩn thận. Chén muỗng được phủ kín bằng tấm khăn màn lúc nào cũng trắng tinh tươm.
Hơn nữa, cái cung cách phục vụ khách của bà dường như cũng khiến cho người ăn cảm thấy ngon miệng hơn rất nhiều. Trao chén chè cho khách, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ, bà Năm đều kèm theo nụ cười hồn hậu và câu cảm ơn dường như đã trở thành “cửa miệng”.
Tôi nhớ cứ khoảng 2 giờ chiều thì bà Năm bắt đầu gánh chè đi khắp cái xóm nhỏ chỉ độ 50 nóc nhà này. Những trưa trời nắng như đổ lửa, giọng rao của bà vẫn dịu, ngọt ngào như không hề vương chút mệt nhọc.
Chén chè màu vàng đục thơm lừng điểm vài ba lát dừa tươi trắng muốt, tiếng đôi quang gánh kẽo kẹt và tiếng rao của bà Năm dường như đã trở thành một phần rất quen thuộc trong đời sống của xóm tôi.
Nhưng vài năm gần đây, xóm nhỏ đã vắng đi gánh chè quen thuộc ấy. Bà Năm tuổi đã cao, không còn đủ sức gánh chè bán rong nữa. Bà truyền nghề lại cho con gái, nhưng thay vì gánh rong, chị mở hẳn một quán chè tươm tất. Có lần ghé quán của chị, cũng nguyên liệu ấy, mùi vị ấy, nhưng ăn chén chè cứ cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó không thể gọi thành tên.
SONG ANH