Nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tri ân tổ nghiệp. Với giới văn nghệ sĩ Bình Dương, được cất vang những bài ca, tiếng nhạc dâng lên tổ nghiệp là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Các nghệ sĩ tri ân những tấm lòng mộ điệu trong tiết mục ca cảnh cải lương “Tằm vươn tơ”
Nhằm ôn lại truyền thống và lịch sử hình thành Ngày Giỗ tổ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và Giỗ tổ Sân khấu vào tối 22-9. Bên cạnh các nghi lễ trang trọng, đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh và giới mộ điệu đã có một chương trình văn nghệ đặc sắc và ý nghĩa. Với họ, đã mang kiếp cầm ca thì phải chăm chỉ như kiếp con tằm vươn tơ.
“Tằm vươn tơ” cũng là tựa đề của tiết mục ca cảnh cải lương đã khiến khán giả ngất ngây bao cảm xúc. Đây là một trong số những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, nhằm khơi gợi lại những chặng đường lịch sử hình thành của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng.
Tiết mục quy tụ sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Lý Bạch Huệ, Minh Đức, Phương Trinh, Ngọc Kiều Oanh, Mộng Hùng cùng các nghệ sĩ trẻ tài năng đền từ Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh và nhóm múa Hồng Luân Đường. Trong “Tằm vươn tơ”, các nghệ sĩ đã tái hiện lại nhiều vở diễn, vai diễn vang bóng một thời như: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Trần Quốc Toản ra quân, Dưới cờ nghĩa Tây Sơn, Kiều Nguyệt Nga, Trọng Thủy Mỵ Châu.
Với cách làm sáng tạo này, ca cảnh đã thổi một làn gió mới vào giới mộ điệu khi thấy cải lương vẫn đang sống với sức sống mãnh liệt và đang lan tỏa mạnh mẽ đến những người trẻ hôm nay. “Đêm đêm, dưới ánh đèn màu, xiêm y rực rợ, vai tuồng hóa thân/ Khóc cười, cười khóc người ơi, mong đem tiếng hát, lời ca cho đời…”.
Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ cho biết: “Một khi đã vương mang lấy kiếp cầm ca, thì dù thăng trầm thay đổi, nhưng lòng chẳng nao. Người nghệ sĩ phải dày công khổ luyện như con tằm miệt mài nhả tơ làm đẹp cho đời và biết cống hiến vì nghệ thuật, đam mê biểu diễn phục vụ thì mới được Tổ đãi. Nghề này có thành công hay không là nhờ khán giả, vì thế người nghệ sĩ phải rày đây, mai đó biểu diễn phục vụ, nhưng khi màn nhung khép lại, “đời tôi như người”, đời người nghệ sĩ cũng như bao thân phận con người bình thường”.
Với các tài tử miệt vườn huyện Bắc Tân Uyên, Ngày Giỗ tổ Sân khấu là dịp để các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, cùng ôn lại truyền thống và chia sẻ cho nhau những làn điệu ngọt ngào sâu lắng của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Còn với những người làm công tác văn hóa ở TX.Thuận An, đây cũng là dịp để họ báo công lên tổ nghiệp những tác phẩm đoạt giải thưởng cao tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn trong năm qua. Qua đó, giới nghệ sĩ và người mộ điệu cùng nhau chung tay phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc thêm tươi đẹp.
Đến với lễ Giỗ tổ Sân khấu ở TX.Dĩ An, sự thành kính đầy trang trọng của những bậc tiền bối trong các nghi lễ đã lan tỏa niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi nghệ thuật, duy trì và phát huy nền âm nhạc truyền thống của dân tộc đến nhiều người trẻ, những thế hệ tiếp nối rất triển vọng.
Hàng năm, cứ vào dịp này, giới văn nghệ sĩ Bình Dương lại háo hức tụ về, cùng nhau cất vang những bài ca, tiếng nhạc dâng lên tổ nghiệp. Tuy tổ chức nhiều nơi, nhưng tựu trung lại vẫn rất đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các lễ bao gồm: khởi cổ lệnh, khởi minh thanh, khởi đại cổ, nhạc sanh, khởi nhạc, niệm hương, đọc văn tế và dâng hương.
Trước phần lễ, có nơi còn tổ chức chương trình văn nghệ báo công những tiết mục, trích đoạn cải lương đạt giải cao tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn trong năm qua. Sau phần lễ là phần hội với nhiều tiết mục giao lưu đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương vang bóng một thời.
THỤC VĂN