Vì sao cần xét nghiệm?

Cập nhật: 15-09-2012 | 00:00:00

1. Công thức máu. Đây là một xét nghiệm thường quy, cung cấp cho chúng ta nhiều giá trị trong các bệnh lý thường gặp như bệnh nhiễm trùng, ung thư máu... và đặc biệt là xem có tình trạng thiếu máu hay không. Đây là bệnh thường gặp ở Việt Nam, nguyên nhân gặp là do ký sinh trùng. Thiếu máu làm cho chúng ta có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, mau mệt, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp cho bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe.

2. Đường huyết. Bệnh tiểu đường do rối loạn chuyển hóa, khi nền kinh tế phát triển thì tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong cộng đồng cũng tăng theo. Trong giai đoạn sớm của bệnh, thường không có triệu chứng. Việc phát hiện sớm giúp rất nhiều trong việc điều trị nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh như là tổn thương mắt, thận, tim  mạch và hệ thần kinh.

3. Cholesterol. Theo như khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch của Úc cho rằng tất cả những người trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol trong máu, vì nồng độ cholesterol tăng cao làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mạch vành. Vì vậy việc tầm soát và điều trị kịp thời sẽ hạn chế nguy cơ bệnh mạch vành.

4. Chức năng gan. Gan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể như là chức năng lọc máu, bài tiết mật, chuyển hóa các chất lipid, protein, carbonhydrat, dự trữ vitamin và muối khoáng. Con người phải giao tiếp và làm việc nhiều dễ phát sinh những bệnh lý gan thường gặp như là viêm gan do siêu vi, viêm gan do rượu, viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ... Vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế những nguy hiểm của những biến chứng xơ gan, ung thư gan...

5. Chức năng thận. Những bệnh lý về thận ở giai đoạn sớm không có triệu chứng và đặc biệt là bệnh cao huyết áp lâu ngày và điều trị không triệt để sẽ có ảnh hưởng lên thận. Vì vậy việc khám và phát hiện sớm chức năng thận giúp cho chúng ta kiểm soát bệnh một cách hiệu quả hơn.

6. Xét nghiệm viêm gan. Việt Nam là nước nằm trong vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh cao, theo như Hội Gan Mật, tỷ lệ lưu hành siêu vi B trong cộng đồng vào khoảng 10- 15%. Viêm gan siêu vi B có thể đưa đến biến chứng như là ung thư gan và xơ gan rất cao, tuy nhiên rất may mắn chúng ta đã có thuốc chủng ngừa bệnh siêu vi B và thuốc điều trị bệnh rất hiệu quả. Vì vậy việc xét nghiệm này giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh tật bằng cách chích ngừa cho những ai không bị mắc bệnh và điều trị cho những ai đang bị mắc bệnh.

7. Chụp X.quang phổi. Lao phổi và những bệnh lý tắc nghẽn phổi mãn tính do hút thuốc lá và bụi công nghiệp là những bệnh lý thường gặp ở nước ta. Việc thăm khám bệnh và chụp hình phổi là những biện pháp đơn giản dễ thực hiện nhằm giúp cho chúng ta phát hiện sớm và ngăn ngừa hậu quả của nó.

8. Phết tế bào cổ tử cung (Pap’s mear): Ung thư cổ tử cung là bệnh lý rất nguy hiểm, đứng hàng thứ nhất trong ung thư đường sinh dục nữ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo nên làm “Pap’s mear” thường quy nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh nguy hiểm này.

9. Siêu âm bụng. Là phương pháp đơn giản, rất kinh tế nhằm phát hiện những thay đổi bất thường trong ổ bụng, như là bệnh lý gan mật, thận, lá lách, tụy... Phương pháp này mang tính chất tầm soát rất hữu hiệu.

10. Đo điện tim. Nhằm phát hiện những thay đổi bất thường ở tim do các bệnh lý tim mạch gây nên, có những trường hợp cao huyết áp mà bệnh nhân không phát hiện (như là không đo huyết áp kiểm tra, không khám sức khỏe định kỳ), lâu ngày ảnh hưởng lên tim. Vì vậy việc đo điện tim nhằm giúp cho chúng ta phát hiện bệnh cao huyết áp cũng như biến chứng của các bệnh tim mạch.

11. Siêu âm ngực. Ngoài việc khám phụ khoa và làm “Pap’s mear” để phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Ở phụ nữ cũng nên làm thêm siêu âm ngực kiểm tra nhằm phát hiện sớm những thay đổi cấu trúc, những bất thường ở ngực để phòng bệnh và điều trị kịp thời bệnh ung thư vú.

12. Đo loãng xương. Loãng xương liên quan đến các yếu tố: tuổi, tình trạng thể lực, chất dinh dưỡng kém, mãn kinh sớm, tuổi bắt đầu kinh muộn. Đây là bệnh của cả hai giới, tỷ lệ ở nam có cao hơn, nhất là ở nam giới hút thuốc lá và uống rượu. Đo mật độ xương là một trong những hình thức kiểm tra tình trạng sức khỏe của xương mà từ đó để ngăn ngừa và điều trị kịp thời bệnh loãng xương.

13. Chụp nhũ ảnh. Phương pháp chẩn đoán này được Hiệp hội Phòng chống bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo để tầm soát ung thư vú. Trên 40 tuổi nếu là nữ, bạn nên chụp nhũ ảnh mỗi năm. Chụp nhũ ảnh chính xác và nhạy hơn siêu âm vú. Kiểm tra sớm nhằm phát hiện những bất thường của vú để phòng bệnh và điều trị kịp thời bệnh ung thư vú.

14. Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt (PSA). Xét nghiệm này được Viện Ung thư Hoa kỳ khuyến cáo nên làm mỗi năm cho nam giới trên 50 tuổi. Đây là một trong những ung thư hay gặp ở nam giới. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị trở nên hữu hiệu hơn.

15. Nội soi cổ tử cung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là nhóm bệnh chủ yếu gây tử vong 54% trong tổng số bệnh nhân ở thế kỷ này. Vì thế soi cổ tử cung để tầm soát viêm và ung thư rất cần thiết nhằm phát hiện sớm và điều trị đúng, có thể chữa khỏi và không bị tái phát.

16. Nội soi dạ dày - trực tràng - đại tràng. Ung thư dạ dày - trực - đại tràng là bệnh lý phổ biến và đứng hàng thứ hai trong các ung thư tiêu hóa.  Nội soi nhằm phát hiện và cắt bỏ sớm các khối u, đây là những khối tiền ung thư. Việc tầm soát này làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong gây ra do bệnh ung thư đại trực tràng.

NGUYỄN NGỌC (Theo tài liệu của BV Nhân dân 115, TP.HCM)  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=393
Quay lên trên