Ông Đặng Quang Tấn-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc COVID-19.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng mới của virus gây bệnh COVID-19. Đáng lưu ý, trong đợt dịch thứ ba từ ngày 25/1/2021 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 3 biến chủng mới với khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng.
Thông tin trên được ông Đặng Quang Tấn-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh, thành để bàn về công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, diễn ra sáng 19/2.
Nhiều ổ dịch đã được kiểm soát
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn cho hay thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới; trong đó bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Tại Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng mới gồm: Biến chủng D814G từ châu Âu (trong đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng). Trong đợt dịch từ ngày 25/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận ba biến chủng gồm: B.1.1.7 Anh (tại Hải Dương) và A.23.1 xuất hiện tại Rwanda, châu Phi (tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó biến chủng Anh B.1.1.7 được xác định có khả năng lây lan nhanh.
Trong bảy ngày Tết vừa qua, Việt Nam ghi nhận 204 trường hợp mắc tại bốn tỉnh, thành phố; chủ yếu tại Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai và Quảng Ninh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Hải Dương, qua hệ thống giám sát, sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào 25/1, đến nay có 575 ca mắc COVID-19. Tại tỉnh Hải Dương có năm ổ dịch lớn: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và thành phố Hải Dương.
“Hiện nay, ổ dịch tại Hải Dương là 575 trường hợp, vượt con số Đà Nẵng (389 trường hợp). Hải Dương chủ yếu là biến thể của Anh nên tốc độ lây lan cao nhanh hơn Đà Nẵng. Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương là 20 ca/ngày, cao hơn Đà Nẵng (15 ca/ngày), chứng tỏ chủng virus lần này tốc độ lây lan mạnh hơn, nhanh hơn,” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nhận định tình hình dịch thời gian tới, ông Tấn cho biết các ổ dịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát. Có nhiều tỉnh/thành phố như: Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7-20 ngày qua.
Với đợt dịch lần thứ 3 này, như ban đầu các chuyên gia nhận định là đợt dịch tương đối phức tạp vì biến chủng của Anh có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. Cũng vì thế, trong thời gian ngắn, Việt Nam phát hiện nhiều ca bệnh, đặc biệt ổ dịch xảy ra trong khu công nghiệp, tất cả các tỉnh thành phố đều có khu công nghiệp, từ đó có thể thấy dịch diễn phức tạp như thế nào.
Siết chặt 4 điểm về phòng chống dịch
Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Bộ thời gian qua đã có cái Tết an lành với toàn bộ người dân cả nước. Nhưng có một số địa phương vẫn phải căng mình đối phó với dịch bệnh. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, lơ là nghĩ địa bàn mình không có dịch. Trong quý 1, các địa phương phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là trọng tâm, ưu tiên cấp bách và lâu dài.
“Chúng ta không thể kết thúc dịch trong 6 tháng đầu năm và trong năm 2021. Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu tất cả cấp ủy tăng cường công tác phòng, chống dịch theo đúng quan điểm chỉ đạo. Người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trên địa bàn và chỉ đạo phòng chống dịch; chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản và không được chủ quan lơ là; vận dụng, sử dụng triệt để phương châm bốn tại chỗ để sẵn sàng ứng phó nếu dịch xảy ra,” Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Mặt khác, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết thời gian qua, với việc triển khai rất quyết liệt và đồng bộ của nhiều tỉnh, thành phố, đến nay, 12/13 địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. "Hải Dương mặc dù cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp với việc phong tỏa Chí Linh ngay từ ngày đầu, nhưng địa phương này cần phải tăng cường phòng, chống dịch bệnh hơn nữa. Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục cử đoàn công tác của bộ nằm tại Hải Dương để hỗ trợ địa phương này chống dịch," người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế yêu cầu, các tỉnh, thành phố phải chuẩn bị các phương án, kịch bản về bùng phát dịch khi dịch xảy ra trên địa bàn.
Đầu tiên là phải chuẩn bị kịch bản về cách ly, giãn cách. Đó là các tình huống nếu số lượng F1 phải cách ly ít thì như thế nào, nhiều thì như thế nào; trong thời điểm cách ly đột ngột thì ứng xử ra sao nếu không sẽ luống cuống, phải chuẩn bị tất cả các cơ sở có thể thực hiện được cách ly. Như tại Hải Dương, số lượng F1 vượt xa con số của Đà Nẵng.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương kiểm tra toàn tỉnh những cơ sở nào có thể sử dụng để cách ly, kịch bản cách ly ở khu vực đó về giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, trong công tác cách ly làm sao phối hợp chặt chẽ với bên quân đội, để lực lượng quân đội điều hành toàn bộ cơ sở cách ly. Bởi, các khu cách ly dân sự vẫn xảy ra việc thực hiện chưa nghiêm nên việc lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong khu vực này.
Thứ hai, Bộ Y tế cũng đã liên tục có hướng dẫn, đúc rút bài học kinh nghiệm từ các đợt phòng chống dịch trước đó làm thế nào để quản lý từng hộ dân, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Hải Dương là một ví dụ về việc phải thực hiện nghiêm hơn vấn đề giãn cách xã hội, không để dịch lây nhiễm trong khu phong tỏa, không để gia đình này giao lưu với gia đình khác...
Điểm thứ ba, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chuẩn bị các phương án xét nghiệm, các kịch bản xét nghiệm nhiều hơn: nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn, ở mức độ nào thì xét nghiệm ở mức độ đó. Tất cả các cán bộ y tế trên địa bàn phải được tập huấn lẫy mẫu, chia nhỏ để đi lấy mẫu.
Thứ tư là các địa phương cần chuẩn bị các phương án điều trị, các cơ sở y tế phục vụ khám chữa bệnh bình thường nếu xảy ra dịch thì cần có biện pháp điều chuyển bệnh nhân phù hợp.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết hôm nay, Bộ Y tế đã chính thức triển khai áp dụng khai báo y tế phiên bản mới, dựa trên hồ sơ sức khỏe cá nhân./.
Theo TTXVN