Tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3, tuy nhiên an ninh nguồn nước đang đứng trước nguy cơ không được đảm bảo do phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài chảy vào (chiếm khoảng 60%).
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi các Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị cung cấp thông tin, số liệu xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia theo hướng quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước.
Theo đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3, tuy nhiên an ninh nguồn nước ở nước ta đang đứng trước nguy cơ không được đảm bảo do phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài chảy vào (chiếm khoảng 60%).
Trong khi đó, dòng chảy ở trong nước phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), sông Hồng-Thái Bình (khoảng 16%), còn lại phân bố ở các lưu vực sông khác.
Nguồn nước mặt còn chịu tác động từ việc khai thác, sử dụng ở thượng nguồn bên ngoài biên giới, chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm gia tăng. Trong khi, nhu cầu dùng nước ở nước ta tăng 32% (khoảng 111 tỷ m3/năm) vào năm 2030 và nguy cơ mất đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng gia tăng nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến, cho đến nay, việc đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia ở Việt Nam được thực hiện ở mức độ hạn chế.
Năm 2019, trong báo cáo “Việt Nam hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn,” Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ ra các mối đe dọa về nước đối với Việt Nam sẽ tác động tổng thể lên GDP với ước tính giảm 5,96% hàng năm nếu không kịp thời có giải pháp.
Năm 2020, trong báo cáo giám sát an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, Ủy ban Khoa học của Quốc hội cũng đã chỉ ra một số thách thức ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước tại Việt Nam như: Chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nước; chưa đảm bảo về cấp nước, an toàn hồ chứa, phụ thuộc nguồn nước ở nước ngoài...
Chính vì vậy, việc xây dựng “Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia” rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để từng bước nâng cao sự bảo đảm an ninh nguồn nước cho từng giai đoạn cụ thể và hướng tới chỉ số an ninh nguồn nước tổng hợp đạt 3/5 vào năm 2030 và cao hơn nữa vào năm 2040.
Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ phối hợp cung cấp thông tin, số liệu tổng hợp về thực trạng, nhu cầu và định hướng đến năm 2030 trong khai thác, sử dụng nước; cấp, thoát, xử lý nước thải trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý; nhưng khó khăn, tồn tại, thách thức trong việc khai thác, sử dụng nước, liên quan đến an ninh nguồn nước trong lĩnh vực từng bộ quản lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các bộ phối hợp đề xuất giải pháp về chính sách, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án lớn để giải quyết những khó khăn, thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước trong lĩnh vực từng đơn vị quản lý.
Văn bản cung cấp các nội dung nêu trên gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) trước ngày 31/5/2021./.
Theo Vietnam+