Cắt giảm đầu tư công, thu ngân sách giảm ảnh hưởng đến phân bổ nguồn chi, nguồn vốn bố trí cho các công trình xây dựng cơ bản (XDCB) vì thế cũng giảm đi là thực tế chung của cả nước. Tuy vậy, cùng với việc phân cấp quản lý đầu tư đã mang lại hiệu quả cao, khó khăn về nguồn vốn cũng tạo ra những tác động tích cực đối với các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án, công trình XDCB trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Chính vì thế, tình trạng vốn chờ công trình - một tồn tại cố hữu - trong đầu tư XDCB hiện nay đã không còn diễn ra…
Tỷ lệ giải ngân cao
Đó là đánh giá chung của UBND tỉnh về tình hình quản lý đầu tư XDCB trong quý 1-2013 tại phiên họp mới đây. Theo ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, đầu tư XDCB bằng nguồn vốn ngân sách trong quý 1 đã thực hiện giải ngân được 1.248 tỷ đồng, đạt 28,5% kế hoạch năm. Trong đó, vốn tỉnh quản lý đạt 24,8%; vốn huyện, thị, thành phố quản lý đạt 36,6%. Điều này cho thấy tỷ lệ giải ngân trong XDCB thời gian qua là rất lớn. Lý giải điều này, theo ông Dũng, lượng giải ngân lớn là do một số công trình đã được chuẩn bị từ trước. Mặt khác, năm 2012 nguồn vốn cho XDCB thiếu nên một số công trình được chuyển tiếp qua năm nay thanh toán.
Công trình thi công mở rộng cầu Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một) đang được tập trung hoàn thành
Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một Nguyễn Thành Tài cho biết giải ngân vốn đầu tư XDCB trong quý 1-2013 của thành phố đạt rất cao. Cụ thể nguồn vốn tỉnh quản lý đạt 77,7%; vốn từ nguồn xổ số kiến thiết đạt 58,2%; vốn hỗ trợ mục tiêu đạt 60,2%; vốn phân cấp đạt 77,3. Còn tại TX.Dĩ An, trong 3 tháng đầu năm cũng đã thực hiện giải ngân được 94,1 tỷ đồng, đạt 32% so với kế hoạch; trong đó vốn xổ số kiến thiết đã thanh toán 56,8 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch; vốn do UBND thị xã quản lý đã thanh toán 37,2 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch. Một địa phương khác cũng có giá trị giải ngân vốn XDCB đạt khá là TX.Thuận An. Trong quý 1-2013, ước khối lượng thực hiện nguồn vốn này của TX.Thuận An đạt 70,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn tỉnh do thị xã làm chủ đầu tư là 5,39 tỷ đồng, đạt 53,9%; vốn xổ số kiến thiết 6,55 tỷ đồng, đạt 7,4%; vốn đầu tư theo phân cấp 58,6 tỷ đồng, đạt 35,5%. Tổng giá trị cấp phát vốn của TX.Thuận An trong 3 tháng đầu năm đã thực hiện 73,2 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch cả năm…
Ưu tiên vốn cho công trình trọng điểm
Ông Nguyễn Thành Tài, cho rằng do nguồn thu ngân sách giảm trong khi nguồn chi cao dẫn đến tình trạng căng thẳng về cân đối thu chi. “Thu mới ngân sách của TP.Thủ Dầu Một trong quý 1 chỉ đạt khoảng 18,7% kế hoạch trong khi đó chi đạt khoảng 38%. Vì vậy, thành phố phải dùng nguồn ngân sách từ cấp trên…”, ông Tài nói. Còn ông Mai Hùng Dũng lại đưa ra một so sánh để cảnh báo về khó khăn nguồn vốn trong đầu tư XDCB: “Cùng thời điểm này năm ngoái, giải ngân chỉ thực hiện được 774 tỷ đồng, đạt 17% nhưng vẫn đạt 100% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, quý 1-2013, giải ngân đã đạt gần 30% kế hoạch cả năm. Vì vậy, khả năng thiếu vốn để bố trí cho XDCB trong năm 2013 là có thể xảy ra…”. Cũng theo ông Dũng, đến hết quý 1 vì thiếu vốn nên đã có 2 huyện, thị xin điều chỉnh danh mục đầu tư. Do vậy, UBND các huyện, thị, thành phố cần thực hiện tốt kế hoạch năm 2013 theo tinh thần đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Việc bố trí nguồn vốn phải ưu tiên cho các công trình trọng điểm, hạn chế khởi công những công trình mới chưa thật cần thiết.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hảo, Giám đốc Sở Tài chính cũng yêu cầu các huyện, thị, thành phố tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, cắt giảm những công trình chưa bức xúc. Ông Hảo cũng lưu ý các chủ đầu tư xác định một cách chính xác thế nào là công trình trọng điểm, bức xúc và công trình chưa cần thiết. “Những công trình trọng điểm mà nếu chúng ta không làm sẽ gây bức xúc, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn những công trình chưa cần thiết, để lùi lại vài năm cũng không sao…”, ông Hảo nói.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, năm 2013 nguồn vốn dành cho đầu tư XDCB tuy có khó khăn nhưng không vì thế mà điều chỉnh, phải tìm cách để bố trí đủ, thậm chí bố trí tăng cho các công trình nhằm tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Về việc xác định để ưu tiên bố trí vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố trong quá trình xác định những công trình trọng điểm, bức xúc và những công trình chưa cần thiết phải đầu tư, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trên thực tế, có những công trình trực tiếp nhưng cũng có những công trình gián tiếp tác động mạnh mẽ đến hạ tầng kinh tế - xã hội. Những công trình tuy gián tiếp nhưng lại là trọng điểm thì cần phải triển khai đầu tư, xây dựng ngay. Mặt khác, có những công trình gián tiếp nhưng quan trọng phải đầu tư xây dựng từ 3 - 5 năm mới xong, nếu không làm ngay thì sẽ tạo rào cản lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, UBND các huyện, thị, thành phố khi xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình trọng điểm cân phải cân nhắc kỹ và có cái nhìn toàn diện.
“Thiếu vốn thì phải tính toán gối đầu để ngân sách Nhà nước chịu đựng được… Về nguồn vốn đầu tư, tôi có trách nhiệm với cấp ủy, thường vụ trong việc bố trí, chỉ đạo bố trí. Khó khăn về vốn thì phải tìm cách để vượt khó”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung trấn an các địa phương trước tình hình có thể khó khăn về vốn, đồng thời cho biết UBND tỉnh sẽ có chương trình riêng để bàn giải pháp cho bài toán vốn trong đầu tư, phát triển.
“Tình hình vốn dành cho đầu tư XDCB năm nay khó khăn, do đó UBND TX.Dĩ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để nguồn vốn đến đúng địa chỉ cần thiết một cách nhanh chóng, hiệu quả. UBND thị xã đã xây dựng kế hoạch hợp lý để tập trung bố trí vốn cho từng công trình theo thời gian cụ thể, không để nguồn vốn đầu tư XDCB vốn khiêm tốn như năm nay phải nằm chờ công trình…”
(Chủ tịch UBND TX. Dĩ An Võ Văn Minh)
THÀNH SƠN