Xây dựng nông thôn mới nhìn từ những mô hình điểm

Cập nhật: 06-10-2013 | 00:00:00

(BDO) Xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Với sự đồng lòng của nhân dân, Đảng bộ và  chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp. Trong đó, xã An Sơn (TX.Thuận An) và xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên) là những điển hình trong xây dựng NTM kiểu mẫu, với những kết quả đạt được bước đầu rất khả quan.

An Sơn “chinh phục” 19 tiêu chí

Đến xã An Sơn tìm hiểu về chương trình xây dựng NTM, chúng tôi được nghe kể về những tấm gương tiêu biểu trong hiến đất làm đường, nhờ đó địa phương này đã hoàn thành những con đường đẹp, khang trang như đường An Sơn 01, An Sơn 07… Để có được những con đường đó phải kể đến công ơn của người dân như: ông Võ Văn Sỹ, ở ấp An Mỹ đã hiến 500 m2 đất; ông Trần Văn Dũng đã đồng ý hiến 280 m2 đất… Để có con đường An Sơn 01 cho bà con đi lại, ông Dũng đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ xã hội. Trước đó, ông Dũng cũng đã hai lần đồng ý hiến đất để cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương mình. Với những tấm lòng đó, rồi đây những con đường giao thông nông thôn (GTNT) ở An Sơn sẽ lần lượt được nhựa hóa khang trang, sạch đẹp đáp ứng lòng mong mỏi của bà con.

 Trồng lan, mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả của xã An Sơn

Ở xã An Sơn, trong quá trình xây dựng NTM, từ việc lập quy hoạch đến thực hiện đề án đều có sự tham gia đóng góp của đông đảo nhân dân để bàn bạc ngay từ đầu. Qua đó, người dân cùng chính quyền đồng thuận trong quyết định tiêu chí nào làm trước, tiêu chí nào làm sau cho phù hợp với nguồn lực của địa phương.

Hiện nay, bên cạnh tiêu chí về giao thông, các tiêu chí còn lại ở xã An Sơn đều được tỉnh đánh giá là đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM của tỉnh Bình Dương. Nơi đây, đời sống nhân dân đang ngày càng được cải thiện. Năm 2013, xã An Sơn có mức thu nhập bình quân 24 triệu đồng/người và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt mức 58 triệu đồng/người.

Ông Trần Văn Mười, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: “Thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM gắn với thực hiện 19 tiêu chí về NTM, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng những hành động cụ thể và việc làm thiết thực, như: Cải tạo, nâng cấp 8 tuyến đường bê tông nhựa, 22 tuyến đường cấp B và 14 tuyến đường cấp C đều được phối sỏi, trong đó nhân dân đóng góp 46 tỷ 281 triệu đồng. Xã đã huy động cho quỹ vì người nghèo của địa phương được 536 triệu đồng, xây dựng 32 căn nhà và sửa chữa 5 căn nhà đại đoàn kết; huy động 2 doanh nghiệp và 3 hộ dân đầu tư xây dựng Bia tưởng niệm Di tích lịch sử xã An Sơn, xây dựng chợ An Sơn và khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Toàn xã hiện có 1 HTX nông nghiệp với 7 xã viên, 3 tổ hợp tác với 44 tổ viên và CLB chăm sóc vườn cây ăn trái chất lượng cao. Có 29 mô hình sản xuất đã và đang được Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đầu tư với số tiền 771 triệu đồng để trồng lan, nuôi cá cảnh… Đến nay, xã An Sơn cơ bản đạt đủ 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM”.

  Đường An Sơn 07 khang trang, sạch đẹp

Bạch Đằng đã “thay da đổi thịt”

Trở lại xã Bạch Đằng lần này chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng của địa phương này. Là một xã cù lao được bao bọc bởi con sông Đồng Nai, Bạch Đằng có diện tích tự nhiên 1.075 ha. Cũng như xã An Sơn, Bạch Đằng là một trong năm xã điểm về mô hình quy hoạch phát triển NTM của tỉnh nên phong trào thi đua “Toàn xã chung tay xây dựng NTM” được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng nơi đây từng bước được nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao rõ rệt.

Minh chứng cho điều đó là những vườn bưởi xum xuê trái ngọt, được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, vừa đảm bảo chất lượng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm. Hay như những mô hình chăn nuôi được hỗ trợ bằng các nguồn vốn vay tương trợ trong xã. Câu chuyện làm ăn của vợ chồng chị Trần Thị Sáu ở ấp 1, xã Bạch Đằng cũng là một trong những trường hợp điển hình. Chị Sáu bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi nuôi khoảng 200 con vịt, nay nhờ có vốn vay hỗ trợ từ hội phụ nữ mà mở rộng được quy mô chăn nuôi gia cầm. Đến nay, đàn vịt đã lên đến 600 con. Trừ các chi phí thức ăn, công lao động, cứ mỗi tháng như vậy gia đình tôi thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi vịt, gia đình tôi còn thuê ruộng để trồng lúa, nhờ vậy cuộc sống ngày càng ổn định hơn nhiều…”.

 Bưởi Bạch Đằng được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap

Dẫn chúng tôi tham quan Bưu điện xã và Trung tâm Văn hóa vừa được xây dựng, ông Trần Trọng Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: Trung tâm văn hóa với quy mô 15.000 m2 hiện là điểm vui chơi thể thao, múa hát cho các em thanh thiếu niên. Còn Bưu điện xã ngoài chức năng thông tin liên lạc còn là nơi hội họp, diễn tập văn nghệ của những người cao tuổi ở địa phương. Hiện xã Bạch Đằng đã thực hiện được 18/19 tiêu chí, chỉ còn tiêu chí cơ sở văn hóa.

Có được điều này theo ông Dư là nhờ sự đồng lòng của nhân dân và chính quyền địa phương theo phương châm “Toàn xã chung tay xây dựng NTM”. Với cơ sở văn hóa khang trang, chắc chắn trong thời gian tới Bạch Đằng sẽ sớm được công nhận tiêu chí cuối cùng trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM để từ đó phát huy hơn nữa vai trò của một mô hình điểm.

TÂM TRANG – MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=249
Quay lên trên