Thành phố thông minh là thành phố ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mức độ thông minh của một thành phố được đánh giá dựa trên mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực giao thông, y tế, xây dựng, năng lượng, quản trị…
Để xây dựng thành phố thông minh cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Giải pháp tổng thể thành phố thông minh và Chính phủ điện tử, giải pháp về thành phố an toàn, giải pháp về giao thông thông minh, giải pháp về y tế thông minh, giải pháp về giáo dục thông minh, giải pháp về môi trường thông minh… Đối với giải pháp về môi trường thông minh có nhiều giải pháp được ứng dụng, như cảm biến theo dõi mức độ ô nhiễm không khí, cảm biến theo dõi tiếng ồn giao thông, cảm biến theo dõi chất lượng nước, công nghệ quản lý nguồn thải, hệ thống vận chuyển chất thải…
Hiện nay, Bình Dương đang xây dựng đề án thành phố thông minh. Trong dự thảo đề án, bên cạnh các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực thì giải pháp môi trường thông minh cũng được quan tâm thực hiện. Dự kiến một số giải pháp môi trường thông minh sẽ được đưa vào đề án, như hệ thống quan trắc thông minh để theo dõi, đánh giá và dự báo chất lượng môi trường không khí, nước, đất, khí tượng, thủy văn; quản lý các nguồn thải thông minh; hệ thống thu gom rác thải thông minh… Như vậy, khi dự án thành phố thông minh - Bình Dương được triển khai thực hiện sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của thành phố, đồng thời cũng làm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng các thành phần môi trường.
P.V