Quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếp sống của người dân ở một số nơi lại chưa thực sự bắt nhịp với sự phát triển. Do đó, các địa phương đã tổ chức, nhân rộng các mô hình để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân chung tay thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, đô thị.
Những hành vi không đẹp
Theo lời tâm sự của các cô, chú trong đội thu gom rác các địa phương “Đêm quét xong, sáng sớm đường lại đầy rác”. Mục sở thị những điều cô, chú nói, chúng tôi thức dậy thật sớm để đi khảo sát một vòng quanh TP.Thủ Dầu Một. Theo ghi nhận, trước 6 giờ sáng khi mọi người đang còn yên giấc, những con đường trong thành phố được quét dọn sạch sẽ. Thế nhưng, sau đó nhiều người dân vô tư mang rác vứt trước nhà, hay thậm chí không bỏ rác vào thùng mà cứ vô tư vứt bỏ bên ngoài thùng rác. Chỉ tay về thùng rác với những bịch rác vứt lăn lóc bên ngoài, chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên quét rác nói: “Vừa quét xong đường phố sạch được một lúc lại trở lại bẩn và mất mỹ quan vì những người thiếu ý thức”.
Đoàn viên thanh niên Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một tẩy xóa quảng cáo để trả lại vẻ đẹp mỹ quan đô thị
Vứt, xả rác bừa bãi chỉ là một trong những biểu hiện phi văn hóa rất cụ thể đang diễn ra hàng ngày nơi phố thị hay các trung tâm phường, thị trấn nhộn nhịp. Không chỉ đường phố mà trong công viên hay những điểm vui chơi công cộng, hay tại những nắp cống cũng dễ dàng nhận thấy vỏ hộp sữa, thuốc lá, vỏ kẹo cao su, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa… vứt rải rác khắp nơi. Trong khi đó, trên các thùng đựng rác đều có dòng chữ dễ nhìn thấy “Hãy cho tôi xin rác” được đặt gần đó.
Nhiều cột điện, tường bao nơi phố thị trở nên nhếch nhác như chiếc áo bị vá vì các loại giấy quảng cáo cho vay nặng lãi, bơm hút bể phốt, xử lý chống thấm, khoan cắt bê tông, tuyển lao động… Những hành vi nêu trên tưởng là nhỏ, nhưng nếu người dân không sớm nhận thức và nhanh chóng thay đổi thì đô thị dù có kiến trúc hiện đại vẫn thiếu văn minh...
Nhân rộng mô hình, nâng cao ý thức
Thay đổi hành vi, ứng xử của người dân để xây dựng đô thị ngày càng văn minh không thể trong một sớm một chiều. Nhưng nếu hệ thống chính trị thực sự quyết tâm cộng với mỗi người tự giác nâng cao ý thức thì môi trường cũng như văn hóa đô thị sẽ ngày càng tiến bộ, góp phần xây dựng con người mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), các địa phương xây dựng các mô hình hay nâng cao ý thức của người dân.
Tại TX.Dĩ An, trong 2 năm 2016 và 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã mạnh dạn phối hợp với các tổ chức tôn giáo xây dựng các mô hình trong đồng bào có đạo; khu dân cư Công giáo. Ủy ban MTTQ thị xã đã phối hợp thành lập và cho ra mắt mô hình “Xứ đạo văn minh” ở phường Bình Thắng, mô hình “3 trong 1” (xứ đạo an ninh, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông) ở phường Đông Hòa; mô hình “Họ đạo an ninh” ở họ đạo Cao Đài Dĩ An. Hiệu quả hoạt động các mô hình này được thể hiện tình làng nghĩa xóm trở nên gắn bó, không phân biệt người theo hay không theo đạo, các phong trào “tương thân, tương ái” được đẩy mạnh, giúp nhau giảm nghèo, chung tay thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Đến với TP.Thủ Dầu Một, đi trên các tuyến đường chính dễ dàng bắt gặp những panô, áp phích tuyên truyền về an toàn giao thông, nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Đó là một việc làm thiết thực của thành phố trong việc xây dựng mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để nâng cao ý thức cho người dân. Ông Tạ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một cho biết, trong năm, thành phố đã vận động được hơn 2 tỷ đồng để treo panô, áp phích tuyên truyền. Bên cạnh đó, để đô thị thêm văn minh, sạch đẹp, thành phố đã huy động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp để cùng hoàn thiện các thiết chế văn hóa, trang trí đường phố, tuyên truyền cổ động trực quan… Cụ thể, năm 2017 TP.Thủ Dầu Một đã huy động doanh nghiệp cùng ngân sách Nhà nước làm mới 22 công viên, hoa viên phục vụ người dân. Phục vụ tuyên truyền, thành phố gắn 1 màn hình led tại vòng xoay ngã 6. Hy vọng với những nỗ lực, cố gắng đó sẽ góp phần thay đổi nhận thức cho người dân, chỉnh trang đô thị.
“Xây dựng đô thị văn minh đầu tiên phải thay đổi nhận thức của con người. Trong thời gian tới, ngành văn hóa với nhiệm vụ của mình trong việc vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, con người văn hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương. Đối với những mô hình hay, cách làm sáng tạo sẽ được xem xét tuyên dương, nhân rộng để từ đó nâng cao ý thức của người dân cùng cả hệ thống chính trị xây dựng quê hương Bình Dương văn minh, hiện đại, sạch đẹp”.
(Ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL)
THIÊN LÝ