Xin gửi lời tri ân tới những người bạn phương xa…

Cập nhật: 12-09-2021 | 22:41:08

(BDO) Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Bình Dương đã nhận được nhiều sự chi viện nhân lực, vật lực từ các địa phương bạn.

Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng tham gia thực hiện “chiến dịch kép” xét nghiệm sàng lọc kết hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân TP.Dĩ An trong đêm.

Trong hơn 3 tháng qua, đã có hơn 4.000 tình nguyện viên là y, bác sĩ, nhân viên, sinh viên y tế và lực lượng vũ trang từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chung lưng, sát cánh cùng Bình Dương chống dịch, trong đó có đoàn tình nguyện 88 giảng viên, nhân viên, sinh viên y tế đến từ tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều đóng góp thiết thực, ý nghĩa

Hay tin Bình Dương đang chống chọi khá vất vả với đại dịch Covid-19, từ tháng 7-2021 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cử 88 giảng viên, nhân viên, sinh viên ngành y tế tình nguyện đến tham gia chống dịch. 

Dù căng thẳng, mệt mỏi nhưng các thành viên đoàn công tác vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời và truyền năng lượng tích cực đến các đồng nghiệp và người dân

Riêng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng có 2 đoàn với 60 giảng viên, sinh viên tham gia. Đoàn thứ nhất có 29 giảng viên, sinh viên tham gia tình nguyện từ ngày 22-7 và đã kết thúc đợt tình nguyện trở về Lâm Đồng ngày 21-8. Đoàn thứ hai gồm 31 giảng viên, sinh viên do Giáo sư - Tiến sĩ khoa học – Bác sĩ Dương Quý Sỹ làm trưởng đoàn tham gia tình nguyện từ ngày 28-7 đến 10-9. 

 

Tình nguyện viên tạm ngả lưng ngay tại nơi tác chiến để dưỡng sức trong thời gian nghỉ trưa, sẵn sàng cho công việc buổi chiều.

Đồng hành cùng vùng đất Thủ, Trường Đại học Yersin Đà Lạt cũng cử đoàn công tác với 28 giảng viên, sinh viên tình nguyện chống dịch từ 22-7 đến 21-8.

Ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.Dĩ An, cho biết trong hơn 3 tháng qua, nhờ có sự hỗ trợ, tham mưu về chuyên môn của các đoàn tình nguyện mà tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát ổn định. 

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học – Bác sĩ Dương Quý Sỹ (giữa) cùng Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu và đồng nghiệp ngành y cùng nhau hội chẩn khoa học tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19 ở Bình Dương.

Trong đó, sự đóng góp về mặt dịch tễ học, chuyên môn hô hấp trong thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của đoàn Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng được xem là một trong những yếu tố then chốt giúp giảm tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong đối với người mắc Covid trên địa bàn.

Theo lịch trình dự kiến, các đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng đã rời Bình Dương, nhưng trước tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lời đề nghị của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành y tế và lãnh đạo các địa phương nên những ngày qua các đoàn công tác Lâm Đồng tiếp tục ở lại hỗ trợ. 

Đến ngày 10-9, khi tình hình dịch bệnh ở TP. Dĩ An nói riêng và Bình Dương nói chung được kiểm soát ở mức tương đối, đoàn công tác thứ hai của Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng mới lên đường trở về tiếp tục sự nghiệp giáo dục và chống dịch tại tỉnh nhà. Riêng Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Bác sĩ Dương Quý Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, tiếp tục ở lại hỗ trợ Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh và ngành y tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, bác sĩ Đỗ Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An, cho biết trong suốt thời gian tham gia hỗ trợ thành phố chống dịch, các tình nguyện viên trong đoàn công tác đến từ Lâm Đồng đã dồn toàn lực và tâm huyết của mình hỗ trợ lực lượng y tế địa phương thực hiện các nhiệm vụ như: Lấy mẫu trong cộng đồng; chăm sóc bệnh nhân F0 tại 10 khu cách ly tập trung và Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 TP.Dĩ An; hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 TP.Dĩ An; hỗ trợ xây dựng quy trình, điều kiện chuyên môn để thành lập Trung tâm xét nghiệm Realtime-PCR SARS-CoV-2… 

Đó là tiền đề quan trọng để Trung tâm xét nghiệm Realtime-PCR SARS-CoV-2 TP.Dĩ An được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động hiệu quả.

Khắc ghi mối ân tình…

Chia tay đoàn công tác cuối cùng của Lâm Đồng vào ngày 10-9 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã trao tặng bằng khen, thư cảm ơn và những phần quà tri ân tới tập thể và các tình nguyện viên. 

Phát biểu tại buổi lễ chia tay, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã gửi lời tri ân sâu sắc tới các y, bác sĩ, nhân viên, sinh viên y tế đến từ Lâm Đồng. 

Ônng cho biết Bình Dương sẽ mãi khắc ghi mối ân tình này, sẽ không quên những giây phút kề vai sát cánh đương đầu với đại dịch. 

Ông Nguyễn Văn Lộc (bên phải) thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao tặng bằng khen, gửi thư cảm ơn và những phần quà tri ân tới đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng ngày 10-9.

Riêng đối với Giáo sư – Tiến sĩ khoa học – Bác sĩ Dương Quý Sỹ, lãnh đạo tỉnh đề nghị thầy tiếp tục ở lại hỗ trợ Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh dùng những kiến thức, kinh nghiệm của mình giúp tỉnh điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, sự hỗ trợ nhiệt tình của các đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng và cá nhân Giáo sư – Tiến sĩ khoa học – Bác sĩ Dương Quý Sỹ đã góp phần giúp tình hình dịch bệnh ở TP.Dĩ An nói riêng và toàn tỉnh Bình Dương nói chung được kiểm soát ổn định. Trong đó, những lần hội chẩn khoa học, với kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình giáo sư đã góp phần giúp tỉnh nhà đưa ra được phác đồ điều trị, cứu chữa hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19. Thông qua phác đồ khoa học được hội chẩn này, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng và tử vong ở Bình Dương đã giảm đáng kể.

Để tri ân sự chung tay, góp sức của các đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng, Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đã có thư cảm ơn với nội dung đầy xúc động: “Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương, diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây từ vi rút SARS-CoV-2 với biến chủng mới Delta, kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân… 

Trong lúc khó khăn, Sở Y tế và cá nhân tôi được quý đồng nghiệp quan tâm, dành thời gian, kinh nghiệm quý báu tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn kịp thời và đầy trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là sự động viên rất lớn đối với Sở Y tế và cá nhân tôi. Tôi xin trân trọng, ghi ơn và cảm phục tấm lòng của quý đồng nghiệp dành cho chúng tôi trong việc hỗ trợ bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân trước làn sóng của đại dịch Covid-19”.

Trong quá trình công tác tại tỉnh Bình Dương, các đoàn tình nguyện tỉnh Lâm Đồng còn tham gia chăm sóc, điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân Covid-19; lấy mẫu cộng đồng cho hơn 23.500 người và hỗ trợ TP.Dĩ An hoàn thành gần 20.000 mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19. 
Riêng Giáo sư – Tiến sĩ khoa học – Bác sĩ Dương Quý Sỹ đã trực tiếp hội chẩn hướng dẫn điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Covid-19 TP.Dĩ An; viết hướng dẫn cụ thể hóa điều trị cho những trường hợp bệnh nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo điều kiện, nguồn lực hiện có của bệnh viện. Giáo sư còn hướng dẫn điều trị tư thế trong giảm oxy máu và oxy liệu pháp, quy trình cai máy cho cán bộ y tế địa phương; chẩn đoán và điều trị mất mùi cấp ở bệnh nhân Covid-19... 
Đây là những đóng góp thiết thực, rất đáng trân quý mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đoàn công tác đã hỗ trợ Bình Dương trong những ngày gian khó.

Đình Thắng

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên