“Xóm bè”… lên bờ!

Cập nhật: 15-06-2013 | 00:00:00

   Những hộ dân sống nhà tạm giờ đây đã biết vây lưới thành ao để nuôi cá lăng, cá lóc. Và nguồn thức ăn cho chúng là những rổ cá cơm mà họ đánh bắt được mỗi ngày

 An cư lạc nghiệp

Đặt chân tới ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa (Dầu Tiếng), men theo một quãng đường mòn chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Tài, trưởng ấp dẫn vào xóm bè. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà khang trang nối tiếp nhau dọc bờ sông. Khoảng không gian phía trước nhà những nong cá khô được phơi tươm tất, bên hông nhà của một số gia đình là những bể hồ rộng dùng để nuôi ba ba. Ông Tài cho biết: “10 năm về trước toàn bộ khu vực này là bãi đất hoang, cây cối mọc um tùm. Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, nhiều người dân xóm bè mua được đất, cất được nhà và chuyển lên bờ sinh sống, đời sống từ đó cũng ngày càng được cải thiện”.

Theo thời giá, chúng tôi ước tính mỗi ngôi nhà xây (không kể tiền đất) ở xóm bè cũng từ 100 - 150 triệu đồng. Điều đặc biệt, chủ nhân của những căn nhà ấy là những người dân vạn chài, trước đây phải sống lênh đênh trên những bè gỗ dưới nước vì… không có đất. Chỉ tay về phía dọc bờ sông, ông Nguyễn Hữu Tài, trưởng ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa cho biết, trong số 42 hộ dân xóm bè, mới có 8 hộ cất được nhà có sổ đỏ, còn nhiều gia đình khác chưa mua được đất nhưng cũng đã có cuộc sống tạm ổn khi được chính quyền vận động họ dựng nhà ở hai bên bờ thuộc đất rìa vùng bán ngập (dù là nhà nhỏ được lợp bằng tôn), từ đó chấm dứt cuộc sống trôi nổi trên thuyền bè, sông nước rày đây mai đó.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Quang Thành - người có hơn 10 năm đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng nay đã định cư trên bờ. Gia đình anh có 8 người con, 5 người con lớn đã lập gia đình, còn 3 đứa nhỏ đang tuổi ăn học. Trong ngôi nhà rộng chừng 50m2, 3 đứa mỗi người một việc: đứa giúp mẹ nấu cơm, đứa trông em, phơi cá. Cảnh tượng này khác hẳn với cuộc sống trôi nổi trên các bè phao mà trước đây họ phải chịu đựng. Điều đáng mừng là sau khi cất được ngôi nhà khang trang, anh Thành còn xây thêm 3 cái hồ lớn và năm 2012, anh bắt đầu thả 600 con ba ba giống vào nuôi. Anh Thành tâm sự: “Lấy công làm lời, nguồn thức ăn cho ba ba chủ yếu là các loại cá nhỏ chúng tôi tự đánh bắt trên hồ nên hy vọng khi xuất bán lứa đầu tiên sẽ thu được nguồn lợi để trang trải cuộc sống”.

Không riêng gia đình anh Thành mà nhiều hộ gia đình ở đây đã biết tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên đánh bắt được để nuôi ba ba, cá lăng cho thu nhập ổn định. Như gia đình anh Nguyễn Văn Siêng, từ khi lên bờ mua đất cất nhà (năm 2010), xây hồ nuôi cá lăng mà mỗi năm mang lại cho gia đình anh từ 15 - 18 triệu đồng. Tuy chưa nhiều nhưng đã giúp gia đình anh cải thiện thêm cuộc sống. Còn với những hộ đang sống ở nhà tạm hai bên bờ, họ đã biết vây lưới bao quanh nhà để nuôi các loại cá lăng, cá lóc. Không như trước đây, sau mỗi chuyến đánh bắt được bao nhiêu cá là nhà nào cũng đem bán hết, mà họ đã biết phân thành nhiều loại như cá to để bán, cá nhỏ mà có giá trị cao như cá lăng, cá lóc được họ thả xuống ao lưới để nuôi, còn các loại cá nhỏ như cá cơm sẽ dùng làm thức ăn cho chúng.

Ông Tài chia sẻ: “Nhiều gia đình xóm bè có được cuộc sống trên bờ như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực không ngừng của bản thân và nhờ cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ”.

Giờ đây, những người dân xóm bè đã được sống trong ngôi nhà kiên cố. Trẻ em được cắp sách tới trường, được ăn no, được tắm mình trong mạch nước ngầm trong mát, cười vui rộn ràng trong khoảng đất trống gần nhà.

Vẫn còn nhiều trăn trở…

Xóm bè hiện có 42 hộ với 173 nhân khẩu, trong đó mới có 8 hộ đã lên bờ sinh sống, số hộ còn lại đang còn sống nhà tạm. So với 10 năm trước đây, khi mới hình thành nên xóm bè này cuộc sống của họ từ sinh hoạt, đi lại đến kiếm sống đã thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn còn không ít. Theo ông Tài, nhiều gia đình xóm bè không có đất canh tác nên nguồn thu nhập chính vẫn dựa vào nghề đánh bắt cá. Mấy năm nay, lượng cá ít đi, những hộ đang sống nhà tạm đã biết giăng lưới nuôi thêm cá lóc, cá lăng mỗi năm xuất bán một lứa nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, nếu nói để họ dư giả có tiền mua đất thì rất khó.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa (Dầu Tiếng) Nguyễn Thanh Liêm, để tạo điều kiện cho những hộ dân xóm bè có nơi an cư, chính quyền đã vận động những chủ đất trong ấp để hỗ trợ cho họ có nhà ở như bán đất với giá rẻ, đối với những hộ chưa đủ tiền mua đất thì vận động cho họ cất nhà tạm ở bên rìa hành lang bờ hồ (thuộc vùng bán ngập). Tất cả con em của họ đều đã được làm giấy khai sinh, vào các dịp lễ tết đều có tặng quà, hỗ trợ xe đạp để con em họ được đến trường.

Rời các gia đình đã có nhà kiên cố, bước xuống căn nhà tạm của anh Lê Văn Luân (quê Tây Ninh) chúng tôi thật sự xúc động trước câu nói của anh: “Nhà báo thông cảm, nhà hết nước sạch sáng nay định lên bờ lấy mà bận đánh bắt cá nên chưa lên bờ lấy được”. Cả gia đình một chồng, một vợ, 7 người con ấy luôn khao khát, ước ao có được một ngôi nhà nhỏ trên bờ. Ngày ngày họ vẫn miệt mài với việc quăng chài, kéo lưới để mong dành dụm đủ tiền thực hiện giấc mơ… lên bờ.

Đến xóm bè hôm nay, trong cái mừng vui khi thấy được những gia đình đã có nơi an cư, chúng tôi cũng còn trăn trở vì nhiều gia đình đang phải sống cảnh bồng bềnh trong những căn nhà tạm, thiếu thốn nhiều thứ như gia đình anh Lê Văn Luân.

TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=304
Quay lên trên