Thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng diễn ra tương đối phức tạp. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm.
Hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng, khu vực xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: THANH QUANG
Phức tạp do địa bàn giáp ranh
Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên - Môi trường, tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng hiện có 18 giấy phép khai thác cát, trong đó vùng giáp ranh 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh có 5 giấy phép (gồm UBND tỉnh Tây Ninh cấp 3 giấy phép, UBND tỉnh Bình Dương cấp 1 giấy phép, UBND tỉnh Bình Phước cấp 1 giấy phép), còn lại 13 giấy phép do UBND tỉnh Tây Ninh cấp (nằm hoàn toàn trong địa giới tỉnh Tây Ninh - không phải vùng giáp ranh). Tổng trữ lượng cấp phép là 11,105 triệu m3; công suất khai thác cấp phép là 628.100m3/năm.
Đối với Bình Dương, UBND tỉnh chỉ cấp cho Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương 1 giấy phép khai thác, theo văn bản số 10/GP-UBND ngày 10-2-2010, thời hạn cấp phép đến ngày 10-2-2020, trữlượng cấp phép 1.003.638m3, công suất 98.000 m3/năm. Thống kê cho thấy, sản lượng cát công ty này đã khai thác từnăm 2010 đến nay là 620.516m3, trữlượng cát còn lại khoảng 383.122m3. Theo thiết kếcơ sở, công ty được mở 3 bãi tập kết cát, gồm tại xã Định Thành 1 bãi, xã Minh Hòa 1 bãi, xã Định An 1 bãi và 6 tàu khai thác, gồm 4 tàu hoạt động và 2 tàu dự phòng. Thực tế, công ty mở 2 bến bãi và có 4 tàu khai thác, trong đó công ty có 2 tàu và thuê 2 tàu khai thác.
Hiện các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản trong lòng hồ Dầu Tiếng đã đăng ký là 136 phương tiện bơm hút cát, trong đó Tây Ninh có 118 phương tiện, Bình Dương 9 phương tiện và Bình Phước có 9 phương tiện. Số lượng bến bãi tập kết cát của các đơn vị được cấp phép là 22 bến, trong đó Tây Ninh 16 bến (có giấy phép bến thủy nội địa do Sở Giao thông - Vận tải Tây Ninh cấp), Bình Dương 4 bến (3 bến có giấy phép bến thủy nội địa do Sở Giao thông - Vận tải cấp, 1 bến chưa có giấy phép) và Bình Phước có 2 bến bãi (chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa). Số lượng tàu, thuyền đang hoạt động không có giấy phép khai thác cát là 73 tàu, trong đó Tây Ninh có 26 tàu, Bình Dương có 47 tàu (có 19 tàu hết hạn đăng kiểm, 19 tàu sử dụng sai công năng - đăng kiểm ghi chở hàng, thực tế đã gắn máy bơm hút cát).
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trương, cho biết việc tuần tra, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát không phép trên lòng hồ Dầu Tiếng thời gian qua chủ yếu là do Công an tỉnh và UBND huyện Dầu Tiếng thực hiện. Từnăm 2014 đến nay, các đoàn đã tiến hành kiểm tra 132 lượt đối với các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, các tàu thuyền khai thác cát trong khu vực lòng hồ. Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện 93 trường hợp vi phạm, đã xử lý 45 trường hợp với số tiền phạt 3,8 tỷ đồng, tịch thu 43,45m3 cát; đang xác minh làm rõ 48 trường hợp.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã phối hợp với SởTài nguyên - Môi trường, UBND huyện Dầu Tiếng tuần tra hơn 50 lượt trên sông Sài Gòn, hồDầu Tiếng nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi khai thác cát trái phép; hỗ trợ, trao đổi thông tin nghiệp vụ12 lượt phục vụcông tác xác minh, đấu tranh, xử lý các hành vi của các đối tượng vi phạm. Tuy vậy, do địa bàn giáp ranh, các đối tượng khai thát cát trái phép thường thực hiện hút cát vào ban đêm, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phòng chống nạn “cát tặc”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Để giải quyết tình hình nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương cần triển khai thực hiện việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản, bến bãi kinh doanh, vận chuyển khoáng sản với UBND tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉđạo rà soát lại việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, đăng ký kinh doanh, bến thủy nội địa và đăng ký, đăng kiểm các phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản theo hướng: Chỉ đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện phục vụ khai thác cát của các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi các bến bãi hoạt động không gắn với giấy phép khai thác khoáng sản, không phù hợp với Quy hoạch bến thủy nội địa và tình hình thực tế. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan tăng cường thanh kiểm tra, xử lý triệt để các phương tiện, bến bãi hoạt động không phép và không phù hợp với thực tế... Hiện UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch “Kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng”, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.
Theo ông Nguyên, tới đây Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung và tổ chức ký kết lại Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản, bến bãi kinh doanh, vận chuyển khoáng sản với tỉnh Tây Ninh các nội dung phối hợp gồm: Phối hợp trong xây dựng quy hoạch, cấp phép và quản lý sau cấp phép; phối hợp trong việc quản lý các bến bãi tập kết, kinh doanh cát và phương tiện vận chuyển cát; phối hợp trong công tác ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép… Đơn vị sẽ liên hệ với SởTài nguyên - Môi trường Tây Ninh để thu thập danh sách giấy phép khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng, danh sách các phương tiện, bến bãi hoạt động gắn liền với giấy phép khai thác khoáng sản để cung cấp cho các ngành, đơn vị liên quan phục vụ cho việc kiểm tra, kiểm soát.
Cùng với đó, Công an tỉnh sẽ chủ trì kiểm tra, xử lý các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng; phối hợp cơ quan quản lý lòng hồ, địa phương trục xuất những tàu không thuộc biên chếcủa các đơn vị được cấp phép ra khỏi khu vực lòng hồ. Công an tỉnh sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm tra, lập chuyên án kịp thời ngăn chặn, triệt xóa các phương tiện tàu khai thác cát trái phép trong khu vực, ổn định tình hình hoạt động khai thác trong khu vực hồDầu Tiếng. Các đơn vị liên quan sẽ đấu tranh ngăn chặn và có giải pháp kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, kiểm soát tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trong khu vực hồ Dầu Tiếng, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép như thời gian qua.
Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, UBND huyện Dầu Tiếng... sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trong hồDầu Tiếng. Các đơn vị phối hợp với ngành chức năng xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép, ổn định tình hình khai thác trong hồ Dầu Tiếng; di dời những phương tiện bất hợp pháp ra khỏi lòng hồ...
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các bến thủy nội địa có giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp; tăng cường kiểm tra các phương tiện thủy hoạt động, khai thác, vận chuyển trong lòng hồ Dầu Tiếng; đồng thời xử lý nghiêm các phương tiện không đạt chuẩn, không đăng ký... UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương mở bến bãi tạm giữ các phương tiện vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát. UBND tỉnh cũng sẽ bố trí thêm kinh phí phục vụkế hoạch kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, nạn “cát tặc” diễn ra ở khu vực lòng hồ Dâu Tiếng do nhiều nguyên nhân. Trước hết, do số lượng tàu thuyền đăng ký khai thác theo giấy phép quá nhiều (136 tàu); nếu mỗi ngày một tàu (công suất nhỏ khoảng 50m3) khai thác một chuyến thì sản lượng khai thác đã là 6.800m3. Trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng hiện có 209 tàu khai thác cát hoạt động, nếu hút một chuyến/ngày thì tổng khối lượng cát là 10.450m3, nếu hút hai chuyến/ngày sẽ là 20.900m3. Thực tế, mỗi ngày một tàu có thể hút nhiều chuyến. Như vậy, tổng khối lượng cát thất thoát trong hồ là rất lớn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý phương tiện, tàu thuyền bơm hút cát trên lòng hồ thuộc nhiều cơ quan khác nhau, nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trong công tác thanh, kiểm tra. Mặt khác, việc kiểm soát hoạt động khai thác trong hồ còn gặp nhiều khó khăn và phức tạp do quy định của pháp luật chưa đầy đủ, dẫn đến việc ngành chức năng khó xử lý, đặc biệt là liên quan đến đăng ký tàu thuyền, gắn thiết bị theo dõi, giám sát hoạt động của tàu thuyền…
XUÂN VĨ