Xử lý hàng giả, hàng lậu: Phải “triệt” từ gốc - Kỳ cuối

Cập nhật: 06-05-2017 | 07:46:08

Kỳ cuối: Cần sự phối hợp hiệu quả giữa các tỉnh, thành

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh đã rất nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng giả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài nỗ lực của từng địa phương, các tỉnh, thành cần có sự phối hợp hiệu quả trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm để đẩy lùi tình trạng này.

 Ngành chức năng vào cuộc quyết liệt

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm về hàng gian, hàng giả. Chỉ tính trong năm 2016, các sở, ngành liên quan của tỉnh đã kiểm tra gần 12.000 vụ, đã xử lý 6.276 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng.

Các ngành chức năng tổ chức tiêu hủy hàng kém chất lượng và hàng giả tại Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Theo BCĐ 389 tỉnh, thời gian qua các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tổ chức được nhiều hình thức tuyên truyền chống hàng gian, hàng lậu, gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các mặt hàng vi phạm; cùng với đó ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, hàng lậu… Tuy nhiên, lực lượng phối hợp còn mỏng nên việc kiểm tra, xử lý các vi phạm hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, vai trò của cấp chính quyền cơ sở, các hiệp hội, doanh nghiệp có hàng bị làm giả tuy đã có chuyển biến nhưng việc xử lý chưa kiên quyết; cùng với đó phương tiện, công cụ hỗ trợ, cơ sở pháp lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, tình trạng cố ý gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu vẫn còn xảy ra nhiều, bằng thủ đoạn tinh vi hơn; tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất phát từ Bắc vào Nam tập kết tại ga Sóng Thần vẫn còn diễn biến phức tạp...

Theo ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vàhàng giảđạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, cần có sự vào cuộc của cảhệthống chính trị, nhất làchính quyền cấp cơ sở, ban quản lý chợ. Đồng thời, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và ý thức tham gia phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, việc tố giác tội phạm của người dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy lùi nạn buôn lậu, hàng giảđang có chiều hướng gia tăng như hiện nay. “Một khi người tiêu dùng quay lưng và nói không với hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại thì vấn nạn này mới được đẩy lùi”, ông Tùng nói.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Để phòng, chống hiệu quả hàng gian, hàng lậu, theo BCĐ 389 tỉnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng không tham gia và tiếp tay cho hàng gian, hàng lậu, gian lận thương mại; thực hiện có kế hoạch, chuyên mục, chuyên đề gắn với nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác dự báo, tổng hợp và phân tích tình hình thị trường để chủ động tham mưu UBND tỉnh đề ra biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường phù hợp trong từng thời điểm cụ thể. Các sở, ngành, địa phương cần chấp hành nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất, báo cáo nhanh để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác, điều hành của BCĐ 389 tỉnh.

Ông Võ Văn Cư, Phó Trưởng BCĐ 389 tỉnh cho rằng, bên cạnh nỗ lực của địa phương, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 59/2006/NĐ- CP ngày 12-6-2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Cũng theo ông Cư, cần có quy định việc xác định giá đối với các mặt hàng cấm kinh doanh, các phương tiện vi phạm tự chế không được mua bán trên thị trường để làm cơ sở cho ngành chức năng xác định thẩm quyền tịch thu phương tiện, tang vật.

Tại hội nghị đánh giá thực hiện công tác phối hợp kiểm tra thị trường giữa chi cục QLTT các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập cần sớm giải quyết. Cụ thể, việc phối hợp giữa các chi cục QLTT chủ yếu mới phát hiện và xử lý hành vi vận chuyển và buôn lậu thuốc lá, trong khi đó hàng gian, hàng lậu lại đang len lỏi vào đời sống của người dân. Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương đã đề nghị chi cục QLTT 5 tỉnh, thành lân cận cần tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin; các đội QLTT có địa bàn giáp ranh tăng cường quản lý địa bàn, nắm chắc thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Đại diện lãnh đạo chi cục QLTT 5 tỉnh, thành lân cận cũng đề nghị lực lượng công an địa phương cử lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng QLTT kiểm tra hàng cấm, hàng nhập lậu trên các tuyến đường, điểm đỗ, điểm xuất phát; cắt cử lực lượng cảnh sát cơ động hỗ trợ lực lượng QLTT khi đối tượng vi phạm có hành vi manh động và chống người thi hành công vụ…

Quý I-2017, lực lượng chức năng của tỉnh đãkiểm tra 2.238 vụ, phát hiện 926 vụ vi phạm, đã xử lý 887 vụ. Tổng sốtiền phạt các vụ vi phạm thu nộp ngân sách là 56,489 tỷ đồng. Trong quý II-2017, dự báo tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện hơn. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phản ánh kịp thời, khách quan, trung thực tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vàhàng giả. Các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chếphối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các sở, ngành; tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, rượu, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu...

 Tại hội nghị trực tuyến chống hàng gian, hàng lậu và gian lận thương mại vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời chỉ ra một số hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất; số vụ việc khởi tố về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với kết quả công tác đấu tranh của lực lượng chức năng…

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, BCĐ 389 các tỉnh, thành phố cần tích cực tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên dương gương người tốt, việc tốt; đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đặc biệt cần xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng nơi để xảy ra vụ việc vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, bổ sung phương tiện, điều kiện làm việc cho lực lượng chức năng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

 T.HỒNG - P.HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=724
Quay lên trên