Dịch bệnh Ebola đang lây lan với tốc độ chóng mặt và khó kiểm soát tại các quốc gia Tây Phi nằm trong tâm dịch. Tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa ghi nhận ca bệnh nào. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch vẫn được ngành y tế các cấp đặc biệt chú ý. Bình Dương cũng rất quan tâm đến công tác này nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ hai, phải sang) kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại Cửa khẩu quốc tế Nội Bài
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 90%). Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da, niêm mạc và xuất huyết phủ tạng. Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Các loài dơi ăn quả, tinh tinh, vượn, khỉ rừng, linh dương, nhím châu Phi có thể là ổ chứa vi rút và có khả năng lây sang người. Người bệnh và người mang vi rút tiềm ẩn cũng có vai trò nguồn truyền nhiễm trong chu kỳ lây từ người sang người. Đây là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tại Việt Nam, qua hệ thống giám sát đến nay, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola. Theo nhận định của ngành y tế Bình Dương, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể thâm nhập vào Việt Nam cũng như tỉnh Bình Dương, có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Nguyên nhân để ngành y tế tỉnh nhà đưa ra nhận định trên là do bệnh Ebola lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh; tỷ lệ mắc và tử vong đang tăng cao từng ngày tại các quốc gia vùng Tây Phi; nguy cơ bệnh có thể thâm nhập thông qua khách du lịch, người lao động về từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng Tây Phi.
Nhằm tăng cường giám sát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và xử lý triệt để dịch bệnh Ebola, mới đây, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn phòng chống bệnh này trên địa bàn tỉnh cho đối tượng là cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và tuyến xã. Tại các buổi tập huấn cho cán bộ y tế, bà Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho rằng trong các biện pháp phòng bệnh nói chung cần tuyên truyền cho người dân về bệnh Ebola và các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt cho những người đến Việt Nam từ vùng có dịch hay những người từ Việt Nam đến vùng có dịch để có những hiểu biết cách phòng chống khi có nguy cơ cảnh báo về khả năng xâm nhập của vi rút Ebola. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên lau chùi nền nhà, đồ dùng, vật dụng… bằng Cloramin B hoặc hóa chất sát khuẩn thông thường. Nếu thấy biểu hiện của bệnh Ebola, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 12-9, trên thế giới có khoảng 4.784 ca mắc bệnh Ebola, trong đó khoảng 2.400 người đã chết vì căn bệnh này. |
Về công tác tổ chức, chỉ đạo trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường vai trò Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp, chỉ đạo kịp thời các hoạt động phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở. Các đơn vị y tế trong lĩnh vực dự phòng, điều trị, truyền thông tăng cường giám sát, phát hiện sớm, sẵn dàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho người dân.
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị khám chữa bệnh giám sát các ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola, lấy mẫu và gửi xét nghiệm để khẳng định nguyên nhân. Các đơn vị y tế phối hợp với các ngành liên quan kiểm dịch chặt chẽ khách, người lao động nhập cảnh từ các vùng đang có dịch cũng như những người khách, người lao động xuất cảnh đến vùng có dịch không để bệnh dịch xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát ca bệnh tại cộng đồng…
HỒNG THUẬN