Trước thông tin đã có nhiều hành khách, lao động về Việt Nam từ vùng có dịch Ebola, người dân rất lo lắng. Phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh về bệnh dịch đáng lo ngại này…
Cán bộ Sở Y tế kiểm tra phòng hộ, khám chữa bệnh tại cơ sở Ảnh: Q.NHƯ
- Xin BS cho biết tình hình mới nhất về dịch Ebola cũng như khả năng lây nhiễm, bùng phát dịch và mức độ nguy hiểm để người dân được biết rõ hơn?
- Theo báo cáo của Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tình hình mắc mới bệnh do vi rút Ebola do WHO cung cấp ngày 20-8-2014 cho biết, trong 2 ngày từ ngày 17 và 18-8-2014, tại 3 nước (Guinea, Liberia và Sierra Leone) đã ghi nhận thêm 221 trường hợp mắc mới, có 106 trường hợp tử vong. Cụ thể tại: Guinea (36 mắc/2 tử vong), Liberia (126 mắc/95 tử vong) và Sierra Leone (59 mắc/9 tử vong). Như vậy, tích lũy từ đầu vụ dịch năm 2014 đến ngày 18-8-2014 đã ghi nhận 2.473 trường hợp mắc trong đó có 1.350 trường hợp tử vong tại 4 nước: Guinea (579 mắc/396 tử vong), Liberia (972 mắc/576 tử vong), Nigeria (15 mắc/4 tử vong) và Sierra Leone (907 mắc/374 tử vong).
Về khả năng lây nhiễm, bùng phát dịch và mức độ nguy hiểm của bệnh thì theo các chuyên gia y tế cho biết khả năng lây nhiễm của bệnh khó, vì vi rút không lây qua đường không khí, đường nước, thức ăn, kể cả khi người bệnh ho hay hắt hơi. Vi rút chỉ lây trực tiếp khi người lành tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh đã có triệu chứng, người mắc bệnh tử vong, động vật nhiễm vi rút hoặc gián tiếp qua các dịch tiết như nước mắt, nước tiểu, máu hoặc vật dụng của người bệnh qua niêm mạc hoặc da người lành bị trầy xướt. Ông Masaya Kato, chuyên gia Bệnh truyền nhiễm của WHO nhấn mạnh, việc lây nhiễm chỉ xảy ra khi người nhiễm vi rút có biểu hiện bệnh, chưa có bằng chứng bệnh lây qua đường hô hấp. Vi rút Ebola cũng dễ chết trong môi trường tự nhiên, tuy nhiên cũng có trường hợp sống trong khoảng 1 tuần, tùy điều kiện. Do đó, nếu người dân tuân thủ theo hướng dẫn phòng bệnh thì khả năng lây lan và thành dịch là rất thấp.
- Trước thông tin hiện nay có lao động từ Liberia về và du khách đến từ Nigieria bị sốt đang được cách ly điều trị, người dân rất lo lắng. Theo BS, người dân cần làm gì?
- Chiều 20-8, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, người phát ngôn của Bộ Y tế cho biết hai hành khách Nigeria nghi nhiễm vi rút Ebola được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, đến sáng 20-8 hai người này không còn dấu hiệu sốt, không có biểu hiện gì bất thường cũng như không phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Ebola và đã chuyển sang biện pháp theo dõi giám sát tại cộng đồng nơi lưu trú. Cụ thể họ được tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe, điền những thông tin vào phiếu sức khỏe, hàng ngày liên lạc với nhân viên y tế địa phương để báo cáo tình trạng sức khỏe trong 21 ngày kể từ khi rời khỏi nước có dịch. Vì vậy, người dân không cần phải quá lo lắng.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Không nên đến những nơi có thể có bệnh dịch, không đến nơi tập trung đông người nếu không cần thiết. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng. Khi phát hiện người nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola cần phải báo cho y tế cơ sở biết để được và cách ly kịp thời. Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, bao giày, quần áo) rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân. Tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh Ebola. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, không nên tự điều trị tại nhà. Các dấu hiệu sớm thường gặp bao gồm: Sốt cấp tính, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc.
- Ngành y tế tỉnh đã có chương trình hành động gì để ứng phó với dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola, thưa BS?
- Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn chẩn đoán và giám sát bệnh cho các tỉnh, TP triển khai thực hiện đồng thời cũng đã có những kế hoạch hành động phòng chống dịch. Hiện nay, tại các cửa khẩu, các sân bay quốc tế đã triển khai khâu giám sát sức khỏe khách du lịch, người VN đi làm ở nước ngoài, du lịch về nước được kiểm tra sức khỏe khi đến cửa khẩu hoặc xuống sân bay nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngành Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã tiến hành triển khai các quyết định trên của Bộ Y tế. Lãnh đạo Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo cho hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, từ hệ phòng bệnh đến hệ điều trị chuẩn bị sẵn sàng, chủ yếu tập trung vào khâu phòng chống cũng như thực hành tốt khâu quản lý bệnh nhân, thực hiện tốt việc phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Riêng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chúng tôi đã soạn xong tài liệu phòng ngừa bệnh do vi rút Ebola cho tuyến y tế cơ sở tổ chức truyền thông trực tiếp cho người dân về cách phòng chống, các dấu hiệu phát hiện bệnh sớm. Trung tâm có kế hoạch nhân bản áp phích do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương xây dựng để treo các nơi công cộng như Trạm Y tế, trường học, khu đông dân cư, khu khám chữa bệnh và thực hiện truyền thông lưu động để cung cấp kiến thức cơ bản cho người dân.
- Xin cảm ơn BS!
QUỲNH NHƯ (thực hiện)