Tình hình COVID-19 ở Việt Nam sáng 18/6: BN91 hồi phục kỳ diệu

Cập nhật: 18-06-2020 | 07:01:08

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói chuyện, bắt tay với bệnh nhân COVID-19 số 91. (Nguồn: TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, tính tới 6h00 ngày 18/6/2020, đã 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam hiện có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 18h ngày 17/6 đến 6h ngày 18/6: 0 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 6.285, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 93

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.775

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 417

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 0 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 4 ca.

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn ra phức tạp. Trong khi châu Âu có dấu hiêu "hạ nhiệt" thì tại một số nước châu Á, các ca nhiễm mới liên tục gia tăng, cảnh báo nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai. Theo trang worldometers.info, tính đến 5h45 ngày 18/6, toàn thế giới đã ghi nhận 130.625 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.381.849 ca, trong đó có 450.198 ca tử vong.

Sức khỏe của bệnh nhân 91 tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khỏe của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.

Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

"Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi" – phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nói.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết thêm: "Một tháng trước chúng tôi không dám nghĩ đến kết quả này, vẫn dự đoán rằng bệnh nhân chỉ có thể tốt lên nếu can thiệp ngoại khoa, vì phổi bệnh nhân khi đó đã xơ hóa và là ổ vi khuẩn, nhưng giờ bệnh nhân đã hồi phục, chỉ còn chờ tập luyện để đi lại trở lại. Tôi có nói với bệnh nhân mức độ hồi phục phụ thuộc vào chính bệnh nhân, vào việc tập luyện và tuân thủ y lệnh của thầy thuốc. Nếu tích cực, bệnh nhân có thể trở lại buồng lái và bầu trời..."

Chiều hôm qua, 17/6, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm, nói chuyện và tận mắt chứng kiến sự tỉnh táo của phi công Anh tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy,. Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao nỗ lực của các y, bác sĩ, nói lời cảm ơn các y bác sỹ, gọi họ là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận chống COVID-19.

Bác sỹ Trần Thanh Linh (Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, sau 3 tháng nằm viện, trong đó 86 ngày thở máy, 56 ngày ECMO, bệnh nhân đã nở nụ cười đầu tiên. Sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tốt nhưng vẫn cần thêm thời gian để phục hồi. Sau cai máy thở, rút ống thở qua khí quản, sức cơ bệnh nhân hồi phục tốt.

"Những ngày đầu bệnh nhân nhập về Bệnh viện Chợ Rẫy tình trạng bệnh nhân rất nặng, nhiều lúc chúng tôi không dám tin bệnh nhân có thể hồi phục được"- bác sỹ Linh chia sẻ.

Trước đó, ngày 18/3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (ngày 6/4).

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
COVID-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=992
Quay lên trên