Bảo vệ sức khỏe khi đi bơi

Cập nhật: 01-04-2014 | 00:00:00
Thời tiết nắng nóng nên nhiều người tìm cách xuống hồ bơi… giải nhiệt! Bơi còn là một môn thể thao được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, nỗi lo thường trực của những người đi bơi ở hồ bơi công cộng là lây các bệnh như đau mắt đỏ, viêm da, bệnh phụ khoa nếu nước hồ bơi không bảo đảm vệ sinh…

   Rất đông người lớn, trẻ em đến hồ bơi mùa nắng nóng Ảnh: Q.NHƯ

 Lo vì nước hồ bơi “có bảo đảm vệ sinh”

Những ngày này, các hồ bơi cũ và mới ở Công viên Văn hóa Thanh Lễ, Công viên nước Bình Dương, hồ bơi ở Thành phố mới… đều rất đông người lớn, trẻ em đến bơi. Những hồ bơi công cộng ở các huyện, thị xã cũng là lựa chọn của các vị phụ huynh vừa đưa con đi tránh nắng, vừa tập bơi cho con. Tại hồ bơi Công viên Văn hóa Thanh Lễ, anh Hùng (phường Phú Lợi, TP.TDM) cùng vợ và 2 con nhỏ thường đến bơi mỗi tuần 2 - 3 lần. Ở đây còn thuận lợi là sau khi bơi, cả nhà anh có thể nghỉ ngơi ở công viên với khu trò chơi miễn phí cho trẻ em, có gian hàng bán kem, nước giải khát giá khá bình dân, tiện lợi. Anh khoe đã tập bơi cho đứa lớn năm nay hơn 12 tuổi…

Ở khu hồ bơi dành cho người lớn với mức nước sâu 1,8m, 2m rất nhiều người lớn đến bơi như một cách vận động, rèn luyện sức khỏe. Anh Đức (phường Hiệp Thành, TP.TDM) chia sẻ: “Tôi bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ khuyên đi bơi và đạp xe sẽ tốt cho sức khỏe. Giá vé bơi người lớn ở các hồ khoảng 20.000- 30.000 đồng là chấp nhận được nhưng tôi lo lắng không biết nước ở hồ bơi có bảo đảm vệ sinh không”… Nước của hồ bơi hầu hết đều được khử Clo, được khuyến cáo nên súc rửa hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của người đến bơi thì không thể kiểm soát được, nhất là những lúc đông như dịp nắng nóng này.

Cẩn thận với bệnh dễ lây nhiễm

Một trong những tác dụng ngoài ý muốn khi đi bơi là thuốc khử khuẩn Clo khiến da đen hơn, da khô, tóc xơ cứng và dễ gãy rụng. Thế nên nhất thiết phải gội đầu thật kỹ sau khi bơi ở hồ bằng dầu gội và nước sạch. Bác sĩ cũng khuyến cáo nên đi bơi sớm vào lúc 5 - 7 giờ hoặc 17 - 19 giờ là tốt nhất. Thời điểm này vừa mát, tránh được nắng. Tuy nhiên, bơi buổi sáng thì nước sạch hơn chứ buổi chiều, khó bảo đảm nước hồ bơi còn… sạch bởi người bơi thiếu ý thức khạc nhổ trong khi bơi. Tránh bơi lúc quá nắng (giữa trưa) bởi dễ bị cảm nắng. Để bảo vệ da, nên thoa kem chống nắng toàn thân loại SPF 50 trước 20 phút. Đeo kính bơi, mũ bơi để bảo vệ tóc và mắt. Với trẻ em tập bơi tốt nhất là vào lúc 7 - 9 giờ sáng mỗi ngày và nhất thiết phải cho các em vận động các khớp tay, chân cẩn thận trước khi xuống nước.

Trao đổi với chúng tôi về nỗi lo của nhiều người về bệnh lây nhiễm khi đi bơi ở hồ bơi, bác sĩ Trương Thị Thanh Tâm, chuyên khoa Da liễu Trung tâm Bệnh xã hội cho biết có thể lây các bệnh đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa và viêm nhiễm da nếu da mẫn cảm, có vết xước… Không nên xuống hồ bơi khi có dịch đau mắt đỏ bởi rất dễ lây lan. Những người có bệnh nên ý thức, tránh lây lan cho cộng đồng. Nhiều người đến hồ bơi xong để nguyên quần áo ướt như thế về nhà mới tắm lại. Điều này không nên mà nên tắm ngay bằng nước sạch với dầu gội, sữa tắm dưỡng ẩm. Chị em nên vệ sinh sạch sẽ sau khi tắm để không lây bệnh phụ khoa. Với những bệnh ngoài da, để đề phòng dễ hơn đau mắt đỏ, phụ huynh cần đem theo nước muối sinh lý NaCl 0,9% để rửa mắt cho trẻ và cho bản thân mình ngay khi bơi xong.

Lo lắng là không thừa nhưng không vì thế mà chúng ta “quay lưng” với môn thể thao này. Đó cũng là lời khuyên của bác sĩ cho những ai yêu thích môn bơi lội.

 QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên