Chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy: Phát huy thế mạnh của lực lượng tại chỗ

Cập nhật: 20-01-2020 | 11:05:01

Khi xảy ra các vụ cháy, nổ, nếu lực lượng tại chỗ tiến hành các bước cứu chữa ban đầu trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến thì kéo giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản.

 

Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng lực lượng tham gia diễn tập thành công trường hợp xử lý hóa chất.

Trong chuyến làm việc tại Bình Dương, ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) lớn có khả năng đầu tư hệ thống trang thiết bị, phương tiện PCCC tốt thì một bộ phận các DN vừa và nhỏ rất cần sự quan tâm của cơ quan chức năng đối với công tác bảo đảm an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gần các khu dân cư. Thay mặt đoàn giám sát Quốc hội, ông mong muốn thời gian tới, tỉnh và các sở, ngành liên quan cần đặc biệt quan tâm không chỉ kiểm tra các quy định PCCC mà còn quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho các DN vừa và nhỏ trong công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng ở cơ sở để góp phần làm tốt công tác PCCC ở địa phương.

Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, hiện nay có nhiều DN đã làm tốt công tác PCCC, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ. Từ thực tế cho thấy, khi xảy ra các vụ cháy, nổ, nếu lực lượng tại chỗ tiến hành các bước cứu chữa ban đầu trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến thì kéo giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, việc huy động sức mạnh tại chỗ cho công tác PCCC cần được chú trọng và phát huy.

Một trong những đơn vị làm tốt công tác này là Công ty liên doanh TNHH KCN VSIP. Lực lượng PCCC của DN này là một mô hình điểm trong việc chữa cháy tại chỗ. Ngoài tham gia chữa cháy trong VSIP, Đội PCCC còn tham gia chi viện cho Cảnh sát PCCC tỉnh chữa cháy ngoài khu công nghiệp. Từ năm 2015 đến tháng 8-2019 đội đã tham gia chữa cháy 79 vụ ngoài khu công nghiệp, phối hợp thực tập phương án PCCC đối với các khách hàng đang hoạt động trong khu công nghiệp, tham gia kiểm tra 1.162 lượt PCCC.... Lực lượng này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 11 bằng khen, giám đốc Công an tỉnh tặng 23 giấy khen và nhiều phần thưởng khác ghi nhận đóng góp cho công tác PCCC trên địa bàn.

Năm 2010, hai Đội PCCC chuyên trách của KCN VSIP 1 và 2 được thành lập với tổng số 16 nhân viên. Nhân viên tham gia 2 đội đều là các chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng Cảnh sát PCCC Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh trước khi được tuyển dụng, vì thế họ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công tác chữa cháy. Qua gần 10 năm hoạt động, Đội PCCC VSIP đã không ngừng được tăng cường nâng cao về trang bị phương tiện cũng như lực lượng. Hiện nay hai đội được trang bị 6 xe chữa cháy, số lượng nhân viên lên đến 67 người.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh Sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, cho biết hiện nay đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động đối với 7 mô hình an toàn PCCC, 1 Câu lạc bộ Nhà trọ an toàn PCCC; huấn luyện nghiệp vụ tại 7.269 cơ sở với tổng số hơn 245 ngàn người tham gia về các kỹ năng phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ.... Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 5.000 Đội PCCC cơ sở với hơn 100.000 hội viên; 149 Đội PCCC dân phòng với hơn 2.000 hội viên; 12 Đội PCCC chuyên ngành.

“Qua công tác tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng, thực tập phương án PCCC ở cơ sở đã mang lại nhiều hiệu quả đáng mừng, đó là trong 5 năm qua, lực lượng PCCC cơ sở và người dân đã kịp thời dập tắt hơn 360 vụ cháy, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Chú trọng công tác diễn tập PCCC
 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 DN sản xuất, kinh doanh hóa chất. Bên cạnh những đóng góp tích cực trong phục vụ sản xuất công nghiệp, hoạt động của các DN này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sự cố cháy nổ. Trước tình hình trên, các ngành chức năng tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa sự cố môi trường do cháy nổ gây ra.
Công ty Sakata Inx Việt Nam là một trong 1.042 DN sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh. Theo lãnh đạo công ty, trữ lượng hóa chất, dung môi nguyên liệu sử dụng sản xuất trung bình hàng tháng khoảng từ 416 đến 545 tấn. Công ty thường sử dụng các loại dung môi, hóa chất vào sản xuất mực in có khả năng cháy nổ cao, khi phát tán ra ngoài sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trước nguy cơ cháy nổ cao trong quá trình sản xuất, công ty đã thành lập lực lượng PCCC và ứng phó sự cố môi trường với 72 thành viên. Hàng năm, tất cả các thành viên đều được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC, biết sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ trong công ty.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất - Hóa keo Bình Thạnh chuyên sản xuất sơn phục vụ ngành đồ gỗ và mỹ nghệ, có tổng diện tích xây dựng là 17.000m2 cũng rất chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng PCCC từ cơ sở và thường tổ chức các buổi diễn tập. Bà Trần Thị Thanh Thanh, Phó Giám đốc công ty cho rằng qua các buổi tập huấn giúp lực lượng công nhân của công ty rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là ý thức về phòng ngừa cháy nổ, những thao tác, kỹ năng PCCC của anh em công nhân được nâng lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn.

HOÀNG HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên