Điều kỳ diệu từ đôi tay người tàn tật

Cập nhật: 01-08-2014 | 00:00:00

Một người thân của tôi mới đây tưởng như phải nhập viện mổ can thiệp mạch vành. Sau khi khám kỹ lại, bác sĩ nói chưa cần thiết, có thể chữa trị bằng phương pháp khác. Nếu can thiệp mạch vành, phải tốn khoảng 75 triệu đồng, chị rất mừng. Thế nên, khi đến Trung tâm Dạy nghề người tàn tật của tỉnh (Số 87, Đoàn Thị Liên, Phú Lợi, TP.TDM), nhìn đôi bàn tay của những người không lành lặn đang tỉ mẩn làm một công đoạn của công nghệ y khoa này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên…

Bắt nguồn từ  thương của xã hội

Có một nơi mà người tàn tật thấy mình bình thường như bao người khác. Bởi ở đó, họ sống với những người kém may mắn như mình, kiếm sống bằng chính năng lực của mình chứ không dựa vào người khác. Đó là ngôi trường chuyên biệt cho người bị bại liệt, câm điếc, thiểu năng trí tuệ… từ khắp nơi tìm về. Họ đến để được dạy cho một nghề như: May vá, in lụa, làm đồ thủ công mỹ nghệ và cả tham gia làm dụng cụ y khoa như một sự tình cờ.  

 Những người tàn tật đang làm Stent trong kỹ thuật nong mạch vành

Đó còn là khởi thủy của một tình nhân ái bao la mà nhiều người đã đến trung tâm dành cho các học viên. Ông Phan Thanh Minh, Giám đốc trung tâm kể: “Cách đây hơn 3 năm, có một Mạnh Thường Quân đến với chúng tôi trong một chuyến từ thiện. Họ biết có chương trình thiện nguyện của một công ty Hàn Quốc dành cho người tàn tật các nước châu Á và đã giới thiệu, đem đơn hàng về cho học viên. Cuộc sống của nhiều gia đình người tàn tật vơi bớt khó khăn từ đó”.

Người có tình thương mến dành cho người tàn tật là ông chủ Namkung Chulwoong của Công ty May Quốc tế (TX. Bến Cát). Ông đã giới thiệu và bảo đảm những người tàn tật ở trung tâm có thể làm một công đoạn của dụng cụ y khoa Stent (dụng cụ can thiệp mạch vành) với Công ty S&G BIOTECH INC tại Sangdaewon-Dong, Hàn Quốc. Điều đáng mừng là sau một thời gian thực hiện hợp đồng, sản phẩm của người tàn tật tại trung tâm này được đánh giá cao, hàng ít bị trả về so với các nước khác (cũng ưu tiên cho người tàn tật làm để tăng thu nhập).

Ý nghĩa từ đôi tay không tàn tật

Các lao động ở đây đa số là những người câm điếc bẩm sinh, những người bị khuyết tật khác. Ở góc phòng làm việc, có những cánh tay nắm chặt đưa lên như quyết tâm, có những cánh tay đang “nói chuyện” cùng bạn bè. Tất cả họ biểu lộ sự phấn khởi.

Từng được bác sĩ Nguyễn Chí Tính, khoa Tim mạch giải thích về việc đặt Stent, nên chúng tôi cũng… biết đường giải thích khi những lao động đặc biệt ở đây hỏi. Rằng bác sĩ sẽ cài ống thông can thiệp (guiding catheter) vào lỗ động mạch vành có chỗ bị tắc hoặc hẹp nặng. Dùng dây dẫn (guidewire) đưa qua chỗ mạch vành bị tắc hoặc hẹp nặng. Tiếp đó dùng bóng (ballon) nong chỗ mạch vành bị hẹp. Cuối cùng là dùng giá đỡ (Stent) đặt vào chỗ bị hẹp. Chi phí cho mỗi ca khoảng 70 - 75 triệu đồng nếu không có BHYT và từ 18 - 20 triệu đồng nếu có BHYT. Và công việc của các bạn ở đây là làm ra một phần để hoàn thành dụng cụ y khoa là làm giá đỡ đặt vào chỗ bị hẹp đó. Họ biết được ý nghĩa việc làm của mình nên thấy vui hơn. Gần chục nhân công là người tàn tật đang tỉ mẩn cúi người đan, dệt từng sợi kim loại nhỏ như sợi tóc để làm thành một ống lưới đều đặn, đẹp mắt. Là dụng cụ y khoa được cấy ghép vào người bệnh nhân nên đòi hỏi về mặt kỹ thuật thật khắt khe. Có khi làm xong một sản phẩm rất vất vả nhưng khi đem hấp, bị biến dạng một chút là loại bỏ ngay. Nghe Nguyễn Thị Ngọc Hòa, 32 tuổi tâm sự về cái nghề quá ư tỉ mẩn, chúng tôi càng thấy khâm phục hơn những người tàn tật này. Hòa nói: “Em bị liệt 2 chân, chồng em là anh Trần Văn Quyền, bị mù, hiện là nhân viên mát-xa bên Hội Người mù tỉnh. Trước đây em không biết làm gì để kiếm sống. Gần 3 năm nay em chuyển về làm ở đây và mức lương được hơn 3 triệu đồng/ tháng”. Đó là gần đây ít đơn hàng chứ trước có khi 4 - 6 triệu đồng/tháng. Cao điểm có người như chị Lan có tháng thu nhập 9 - 10 triệu đồng. Đây quả là niềm ước ao cho người lao động bình thường chứ không riêng gì người tàn tật. Gần đó, anh Phạm Minh Trung, 42 tuổi, phường Phú Mỹ, TP.TDM cũng bị bại liệt. Anh cho biết hàng ngày vợ anh chở đến trung tâm làm việc rồi đi làm, chiều lại về đón chồng cùng về nhà. Thu nhập của anh hơn 3 triệu đồng/tháng, vợ anh gần 5 triệu đồng/tháng, nếu tiện tặn cũng có thể sống được. Ở trung tâm này còn có những lao động được chuyển từ Trung tâm Câm điếc Thuận An lên sau quá trình được học giao tiếp bằng tay, học nghề. Đó là Lê Hồng Phúc, Trần Mai Quốc Phong. Miệt mài làm việc hết ngày này qua tháng khác, họ cũng tự lo được cho cuộc sống của mình, thậm chí còn dành dụm giúp người thân.

Ông bà mình từng nói “có tật có tài”. Có lẽ đúng vậy bởi với người bình thường, làm được những công việc đòi hỏi sự khéo léo, miệt mài này đã khó huống gì người tàn tật, sức khỏe không được tốt. Có được sức khỏe để làm việc là những người ở đây mừng lắm bởi thỉnh thoảng, đang làm lại đau ốm nên phải nghỉ một thời gian. Thầy Nguyễn Minh Hùng, cán bộ phụ trách khu vực sản xuất cho biết các anh chị ở đây ý thức rất cao trong công việc của mình. Thu nhập tính theo sản phẩm nên ai cũng cố gắng.

Lúc tiễn chúng tôi ra về, thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Minh phấn khởi nói: “Tôi rất tự hào về học viên của mình bởi họ dù tàn tật nhưng có ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình rất cao. Họ luôn cố gắng vươn lên chứ không muốn trở thành gánh nặng cho ai cả…”.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên