Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 11-09-2014 | 09:36:07

(Tiếp theo kỳ trước)

Cụ Phan như có chút tâm sự với chàng thanh niên đầy nhiệt huyết: Cụ cho rằng mình bị quản thúc, phong trào bị khủng bố, nay cụ chịu cảnh cá chậu chim lồng. Cụ từ chối khéo: “Anh hãy đi hỏi những người thành công, người ta mới chỉ cho anh được”. Nhưng chàng trai này cứ nhất quyết muốn nghe, dù chỉ một lời khuyên. Cụ Phan chỉ lên mấy tấm hình các nhân vật treo ở thảo đường nói rằng bốn vị này đều là tấm gương, nhưng người Việt Nam muốn có sức mạnh để hành động yêu nước chống xâm lược phải có nhiều người. Cá nhân không quyết định tất cả. Cụ khuyên chàng trai trẻ phải học. Nhiều người cùng học hỏi và đoàn kết tạo nên sức mạnh.

Hoàng Đạo cảm ơn và tạm biệt ông già Bến Ngự, được cụ khuyên và viết mấy chữ giới thiệu cho tiếp kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng bấy giờ là cựu chính trị phạm ở Côn Lôn về. Đọc thư, cụ Huỳnh giảng giải cho chàng thanh niên: “Hãy viết đi! Nói thì có 10 người nghe. Nhưng viết có thể hàng trăm người đọc. Giả thử trong 100 người đọc đó có 50 người đồng tình tán thành. Trong số 50 người đọc đó lại có 10 người rất đồng ý và chịu hành động. Hãy hỏi 10 người này xem. Lúc đó, anh sẽ có ý kiến chuẩn xác, thông minh”…

Đó có thể coi là bài học về công tác vận động cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng dạy cho chàng trai. Đến bây giờ, ông Hoàng Đạo vẫn còn nhớ hình ảnh cụ Huỳnh lúc đó. Một con người điềm tĩnh. Đầu trần, không vấn khăn. Chiếc áo dài đen với chiếc quần trắng cũ đã hơi ngã màu.

Ông kể tiếp: “Tôi còn được gặp một số cựu chính trị phạm, trong đó có cụ Đào Duy Anh lúc đó đang hoạt động trong Đảng Tân Việt. Cụ Tôn Quang Phiệt dạy học trường Thuận Hóa. Trao đổi một đêm, ông Đào Duy Anh giới thiệu cho tôi gặp Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn”.

Chàng thanh niên lại tìm lên Hương Giang thư quán để gặp nhà văn Hải Triều lúc đó làm chủ nhiệm “Quảng Hải tùng thư”. Hải Triều phân tích: Chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin khoa học mới có thể giúp ta giải phóng các dân tộc nhược tiểu.

“Chữ nhược tiểu là chữ của ổng nói với tôi lúc đó”. Bây giờ, sau hơn nửa thể kỷ, chàng niên thiếu ngày đó đã đi qua chặng đường dài lịch sử, đã trở thành một vị cao niên, vẫn nhớ cả chữ dùng, có lẽ bởi những chữ đó đã gây một ấn tượng mạnh. Tổ quốc đang là nước nhược tiểu, nỗi đau một thời thanh xuân…

“Hải Triều đưa cho tôi nhiều sách nghiên cứu về nhân loại. Lời hướng dẫn của Hải Triều đã đưa tôi tìm đến hướng đi vào Công Hội Đỏ, hoạt động trong phong trào công nhân”.

8. Tôi hỏi ông: “Ông có một thời gian làm báo tại Sài Gòn từ những năm 30 - Ông học nghề làm báo ở đâu?”.

Hoàng Đạo nói hồi đó ông viết báo đâu được học bài bản như bây giờ. Theo lời khuyên của cụ Phan, cụ Huỳnh và nhất là Hải Triều, chàng thanh niên làm báo để tìm đồng chí. “Cuộc đình công đầu tiên ở Dĩ An, tôi còn nhỏ nên chỉ chạy đến các nhóm để thông tin lặt vặt. Các đại biểu đưa khẩu hiệu, tôi chạy đưa tin kết quả các nhóm đang đàm phán với chủ. Tất cả những việc to hoặc nhỏ đều không qua được mắt mật thám. Khi tôi bị bắt sau này mới biết”. Chủ sở máy Dĩ An đuổi việc, anh em giới thiệu Hoàng Đạo xuống xưởng Faci làm. Năm 1931, anh được kết nạp vào Đảng, cùng anh em mướn nhà phía sau hãng cưa Giá Ty của một người đàn bà Tàu, giá 2 đồng một tháng, để in tờ Thợ Thuyền.

Trong cuốn lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, tờ Thợ Thuyền chỉ vẻn vẹn một dòng: Thợ Thuyền - Công nhân Sài Gòn. Số đầu tiên: 1-6-1932.

“Tôi còn nhớ bài vở tôi viết ngược để in xu xoa. Chữ T tôi vẽ hình chiếc búa, liềm là chữ Ơ. Lúc đó mình viết tin tức vớ vẩn chứ đâu có nghề nghiệp học hành gì đâu - Viết sao nổi. “Ông có còn tìm được ở đâu một tờ Thợ Thuyền không? Trong các bảo tàng có còn lưu giữ?”. “Không biết có lưu giữ ở đâu, nhưng tôi thì không còn một tờ nào. Ra được 5, 6 số gì đó thôi. Tôi được một thầy thuốc - ông Trần Hữu Độ, người rất thông thái, đã dịch các sách của Khang Hữu Vi - Ông dạy và hướng dẫn tôi. Ông là người giới thiệu các tác phẩm của Lỗ Tấn và sau này trở thành cây bút lớn của một tờ báo công khai. Tôi sẽ kể kỹ về ông Trần Hữu Độ sau”.

Vì bị đuổi việc, chàng thanh niên mới 15 tuổi phải khai tăng 2 tuổi để làm sổ thợ. Chính vì thế mà ông còn một năm sinh nữa vào năm 1910. Sổ bị nhà cầm quyền đóng giáp lai “tù chính trị phạm MAP” đi xin việc không được. Ở đâu cũng nhận được câu trả lời “không dùng kẻ làm loạn, phá hoại” - Cuối cùng chàng trai học lỏm viết báo từ người thầy Trần Hữu Độ, đi nghe các nhà cách mạng diễn thuyết. “Tôi coi báo, học cách viết, có viết một số phóng sự. Cách viết của tôi không có kỹ thuật chuyên nghiệp, nhưng lập trường rất rõ. Lại có nhiều chất liệu thật của cuộc sống nên cuối cùng tờ Đuốc Nhà Nam của Nguyễn Phan Long đăng. Họ trả tiền rất hậu. Một bài 15, 16 đồng, bằng tiền cơm một tháng”.

(Còn tiếp)

 

 NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên