Hệ thống quan trắc nước thải tự động tại Bình Dương: Gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp

Cập nhật: 17-09-2013 | 00:00:00

 Là địa phương đầu tiên trong cả nước lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (QTNTTĐ), Bình Dương đang dần kiểm soát được chất lượng nước thải ra môi trường, qua đó giúp doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.  

Hệ thống quan trắc nước thải tự động KCN VSIP II tiêu tốn 900 triệu đồng của chủ đầu tư nhưng mang lại sự an tâm lớn cho hàng trăm DN làm ăn tại đây  

Đầu tư vì môi trường

Trung tâm QTNTTĐ Bình Dương có trụ sở tại Sở Khoa học và Công nghệ luôn đỏ đèn ngày đêm. Tại đây, dữ liệu quan trắc nước thải của 21 điểm xả thải lớn trên địa bàn tỉnh liên tục được cập nhật và gửi về. Tất cả các số liệu, hình ảnh đều hiện lên trên màn hình tivi. Chỉ cần một trong số 21 điểm kể trên có mức báo động bất thường cho chất lượng nước thải ra môi trường, hệ thống tự động sẽ cảnh báo và kíp trực sẽ cho hiển thị thông tin phân tích chi tiết kết hợp với việc quan sát bằng mắt thường thông qua camera quan sát tại chỗ. Nếu tất cả các số liệu, hình ảnh cho thấy có vấn đề ở chất lượng nước thải, hệ thống lấy mẫu nước thải tự động sẽ được kích hoạt để có bằng chứng xử lý về sau.

Dự án QTNTTĐ Bình Dương được chia làm 2 giai đoạn 2009-2011 và 2013-2014. Theo đó, giai đoạn 1 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư số tiền 25,6 tỷ đồng để triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại 21 điểm, trong đó có 17 KCN tập trung và 4 DN lớn có lưu lượng xả thải lớn hơn 2.000m3/ngày đêm. Đến tháng 6-2013, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 của dự án, đầu tư thêm 38,9 tỷ đồng để tăng cường lắp đặt thiết bị QTNTTĐ cho 13 điểm xả thải của 11 KCN tập trung và 18 điểm xả thải của DN có lưu lượng nước thải 1.000m3/ngày đêm. Ở giai đoạn 1 của dự án, tại các KCN Đồng An, VSIP I, Việt Hương I, Sóng Thần I - II và Mỹ Phước I đều lắp các thiết bị quan trắc tự động, camera quan sát, thiết bị lấy mẫu tự động. Các điểm còn lại do có lượng nước thải xả ra ít hơn nên chỉ lắp đặt camera quan sát và thiết bị lấy mẫu.

Như vậy, nếu tính cả hai giai đoạn của dự án, Bình Dương đầu tư số tiền lên đến 64,5 tỷ đồng cho công tác giám sát nước thải, bảo vệ môi trường. Dù đây chỉ mới là hệ thống QTNTTĐ đầu tiên tại Việt Nam và còn nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi của dự án nhưng đây được xem là một bước đi đúng hướng của Bình Dương. Đặc biệt là trong bối cảnh cả tỉnh có 28 KCN tập trung và nhiều DN lớn, có lượng xả thải cực cao, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vô cùng lớn nếu không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ.

Ích nước, lợi doanh nghiệp

Hệ thống QTNTTĐ sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã lập tức phát huy tác dụng, nó giúp cho Sở Tài nguyên và Môi trường TN&MT kiểm soát liên tục chất lượng nước thải tại KCN và DN với khối lượng nước thải lên đến 89.000m3/ngày đêm, chiếm 55,6% tổng khối lượng nước thải công nghiệp trên toàn tỉnh. Nếu giai đoạn 2 hoàn thành, con số được kiểm soát lên đến 170.000m3/ngày đêm, chiếm khoảng 70% tổng khối lượng nước thải toàn tỉnh. Khi đó, 52 điểm có nước thải công nghiệp được hệ thống giám sát ngày đêm. Như vậy, về mặt quản lý Nhà nước, một lượng lớn nước thải công nghiệp sẽ được quản lý chặt chẽ, giúp cho Sở TN&MT có những kế hoạch dài hơi hơn nhằm bảo vệ môi trường bền vững hơn cho các thế hệ mai sau.

Việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống QTNTTĐ cũng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư KCN và DN. Các DN đã chú trọng hơn công tác vận hành xử lý nước thải, tình trạng xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường giảm đáng kể so với thời gian trước khi có hệ thống QTNTTĐ. Tỷ lệ xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường nâng cao đáng kể, từ 61% trước khi có hệ thống QTNTTĐ đã lên đến 92% ở thời điểm hiện nay.

Hệ thống QTNTTĐ giúp cho DN đầu tư làm ăn tại Bình Dương an tâm hơn về môi trường và giúp DN đạt các tiêu chuẩn về môi trường ngay khi đặt những viên gạch đầu tiên cho nhà xưởng của mình. Không chỉ thế, nó giúp cho các DN đã có đầu tư từ lâu tại Bình Dương khắc phục những tồn tại, hạn chế lớn của mình về môi trường, nâng cao uy tín, giá trị đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thương trường.

Ông Đỗ Tống Phú Quỳnh, Trưởng phòng Cấp nước, xử lý nước thải và môi trường KCN VSIP cho biết: “Hệ thống QTNTTĐ không chỉ giúp cho chúng tôi xử lý, kiểm soát được tiêu chuẩn nước thải ra môi trường mà còn khiến cho nhà đầu tư khi lựa chọn VSIP làm nơi sản xuất, kinh doanh an tâm hơn. Chính vì thế, khi nhà đầu tư tìm kiếm, lựa chọn KCN VSIP đầu tư nhà máy làm ăn không phải quan ngại về vấn đề môi trường”.

• KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=737
Quay lên trên