Ký ức mùa thu năm ấy… Bài 3:

Cập nhật: 24-08-2016 | 08:15:08

Bài 3: Bài học về con đường cách mạng

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng với ông Nguyễn Hảo Đức, một cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, ký ức về sự hồi sinh của cả dân tộc qua cuộc Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn rất sâu đậm. Ông bảo, trong tận đáy lòng, Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Và hôm nay đây, ông vẫn cảm nhận thấy tinh thần cách mạng trong những người trẻ đang mang trọng trách xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

Trò chuyện với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Hảo Đức cho rằng, bài học của Cách mạng Tháng Tám 1945 là bên cạnh thời cơ, cần phải có sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, quần chúng nhân dân tin tưởng đi theo cách mạng. Bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ảnh: Q.CHIẾN

Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày Tháng Tám lịch sử, ông Nguyễn Hảo Đức lại lục tìm cho mình những ký ức về cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bởi với ông, dù thời gian đã lùi rất xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Hảo Đức là một trong những số ít cán bộ tiền khởi nghĩa còn lại tại TP. Thủ Dầu Một. Ông Đức sinh ra trong thời kỳ đất nước bị Pháp đô hộ, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, người dân phải sống trong cảnh “một cổ, 2 tròng”, lầm than, đói khổ. Tháng 1-1945, khi đó ông tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời mỗi con người. Thấy ông nhanh nhẹn, gan dạ nên bác sĩ Nguyễn Văn Đối, một người phụ trách Việt Minh kết nạp ông vào Mặt trận Việt Minh, biên chế ở Đội Xích vệ đỏ, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một. Ông kể: “Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in bài học đầu tiên về con đường cách mạng mà tôi đã được bác sĩ Nguyễn Văn Đối dạy. Nó gồm 5 bước: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, giáo dục và hướng dẫn đấu tranh…”.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940) thất bại, giặc Pháp đàn áp lực lượng ta dữ dội. Chúng truy bắt những người cộng sản và yêu nước ở các làng, đồn điền cao su. Nhiều người bị bắt và bị giết hại. Mãi đến tháng 3-1943, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của Thủ Dầu Một mới dần hồi phục. Cũng theo đó, lần lượt các đơn vị vũ trang được tái lập ở các địa phương. Các đơn vị vũ trang tự trang bị vũ khí bằng nhiều cách như lấy từ kho vũ khí của địch, mua hoặc đổi bằng lương thực, tước súng của bọn lính… Giữa năm 1945, phong trào Thanh niên Tiền Phong (TNTP) ra đời ở Sài Gòn và các tỉnh, thu hút hàng vạn thanh niên vào tổ chức bán vũ trang yêu nước. Ở Thủ Dầu Một, lực lượng TNTP cũng được thành lập vào tháng 5-1945. Ông Nguyễn Hảo Đức được giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng. Thời kỳ đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Kết quả có hàng chục hạ sĩ quan và chỉ huy địch đã đi theo phía Việt Minh. Trong số đó nhiều người trở thành nòng cốt điều hành binh sĩ làm theo lời kêu gọi của Việt Minh ủng hộ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Đồng thời, lúc này tổ chức Đảng tại địa phương cũng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cổ động toàn dân khởi nghĩa trên nhiều khu vực, trong đó trọng điểm là Phú Cường. Vì vậy, bên cạnh số cán bộ, đảng viên, còn có đông đảo những cán bộ cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ, TNTP làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền là nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh”... Và những tin chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh, tin thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật... Hình thức hoạt động bao gồm cả tuyên truyền miệng, tổ chức phát loa, dạ hội biểu diễn ca kịch lịch sử, đội múa lân người Việt, người Hoa đi cổ động... Những hoạt động tích cực sôi nổi này được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành sức mạnh áp đảo việc truyền bá tư tưởng tiêu cực của địch.

Ông Nguyễn Hảo Đức kể: Đến ngày 23-8-1945, khí thế làm chủ của lực lượng Việt Minh đang lên cao ở các quận lỵ và tỉnh lỵ. Trên các đường chợ, phố chỉ có các đội tự vệ bán vũ trang làm nhiệm vụ duy trì trật tự, không còn bọn cảnh sát ngụy. Hội Cứu quốc vận động đồng bào may sắm cờ đỏ sao vàng, làm băng rôn, viết khẩu hiệu và sẵn sàng khởi nghĩa. Đến ngày 24-8-1945, sau khi lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh lan rộng, lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ của Phú Cường và các làng phụ cận đã gấp rút xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn của tỉnh vào sáng 25-8. Các đơn vị vũ trang tự vệ của Phú Cường, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí canh giữ các vị trí quan trọng, sẵn sàng ngăn không cho địch phá hoại. Và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một đã hoàn toàn thắng lợi. Từ đây lịch sử chuyển sang một trang mới.

 “Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in bài học đầu tiên về con đường cách mạng mà tôi đã được bác sĩ Nguyễn Văn Đối dạy. Nó gồm 5 bước: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, giáo dục và hướng dẫn đấu tranh…”.

(Ông Nguyễn Hảo Đức)

Ông Nguyễn Hảo Đức nói: “Nhờ mình làm tốt công tác binh vận, vận động quần chúng nên Cách mạng Tháng Tám ở Thủ Dầu Một không đổ máu. Và khí thế ngày 25- 8-1945 ở Thủ Dầu Một được khắc trên bia lưu niệm sự kiện lịch sử ở phường Phú Cường để ghi dấu ngày mà hơn 5 vạn quần chúng nhân dân trong tỉnh rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Tại đây, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật đã dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”...

Sau khi Pháp tái chiếm Thủ Dầu Một lần 2, ông Nguyễn Hảo Đức tham gia Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một. Đây là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của các đơn vị vũ trang được tổ chức chặt chẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chi đội 1 không những đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương mà còn thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân, đánh địch trên khắp địa bàn tỉnh. Bản thân Chi đội 1 là hình ảnh thu nhỏ của khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đủ cả Bắc - Trung- Nam, các thành phần từ công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, viên chức, người Hoa… Ông Đức tham gia các hoạt động cách mạng tại địa phương đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Hảo Đức mới được điều trở về Nam kiến thiết, xây dựng quê hương.

Theo ông Nguyễn Hảo Đức, bài học của Cách mạng Tháng Tám 1945 là bên cạnh thời cơ, cần phải có sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, quần chúng nhân dân tin tưởng đi theo cách mạng. Bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị để vận dụng vào giai đoạn hiện nay, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì vậy, Đảng phải luôn củng cố, xây dựng được lòng tin vững chắc trong nhân dân và như vậy thì cuộc cách mạng nào cũng sẽ thành công… (còn tiếp)

 

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên