Tháng 7 nói về lễ Tống ôn của người Bình Dương xưa và nay

Cập nhật: 15-08-2014 | 16:46:18

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt nói chung, có rất nhiều quan niệm và việc thực hành nghi lễ với “cô hồn, các đảng” nhằm chỉ chung những linh hồn vất vưởng vì nhiều lý do mà chưa được siêu thoát. Ngoài cúng thí cho cô hồn vào tháng 7 (Al), người Bình Dương còn có nghi thức Tống ôn cũng nhằm cúng thí và đuổi tà ma, ôn dịch ra khỏi vùng cư trú của họ.

  Tháng 7 (Al), dân gian thường gọi là tháng “xá tội vong nhân”, xuất phát từ một điển tích nhà Phật. Truyện kể, ông A Nan Đà đã nghe theo lời của quỷ miệng lửa cúng thí cho bọn quỷ thức ăn nên được tăng thọ. Phong tục cúng cô hồn bắt nguồn từ điển tích trên, về sau lại được hiểu rộng ra thành các nghĩa khác, như tha tội cho tất cả những người chết hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ. Người Việt khi thực hiện lễ này cũng nhân đó mà làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với việc sinh thành.

Lễ Tống ôn tại đình thần Dĩ An, P.Dĩ An, TX. Dĩ An.  Ảnh: Đ.T

  Lễ Tống ôn hay còn gọi là Tống phong, Tống quái, Tống gió, Tống khách là một lễ thức khá phổ biến ở các tỉnh, thành mà cuộc sống của người dân gắn bó với sông nước thuộc vùng Nam bộ hay Trung bộ. Khác với lễ xá tội vong nhân, lễ Tống ôn mang nhiều ảnh hưởng của đạo giáo và có tính cộng đồng cao, thường được thực hiện ở đình làng chứ không thực hiện trong mỗi gia đình. Đây là một trong những nghi thức quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh nhằm thỏa ước vọng bình an của cộng đồng.

Lễ Tống ôn xưa

  Lễ Tống ôn xưa mang nặng hình thức của một nghi thức đạo giáo. Người quan trọng nhất và là người điều khiển nghi lễ là thầy pháp. Trước đó, thầy pháp chọn ngày đẹp để làm lễ nhưng thường vào tháng giêng, tháng 2, tháng 3 là những tháng nắng nóng thường có bệnh dịch. Tổ chức Tống ôn vào thời gian này nhằm xua đuổi tà ma, ôn hoàng dịch lệ, vong hồn gây bệnh dịch ra khỏi địa bàn. Nghi thức có thể diễn ra ở đình, miếu hoặc một bãi đất trống trong vùng.

  Vật quan trọng nhất, bắt buộc phải có trong lễ là chiếc thuyền Tống ôn. Thuyền Tống ôn cũng do thầy pháp làm. Tuy dựa vào tay nghề khéo léo của mỗi người khác nhau nhưng nhìn chung thuyền Tống ôn ở Bình Dương có kích thước khá nhỏ, chiều dài từ 1,2 - 1,4m, cao khoảng 40cm, rộng 30 - 40cm và trang trí khá đơn giản. Thuyền có cốt tre, ngoài dán giấy, đặt trên một chiếc bè tre hoặc bè chuối. Thuyền cũng được trang trí thêm mái che, cờ phướn và có số hiệu là năm cúng tế. Là phương tiện chuyên chở ôn hoàng dịch lệ, chuyên chở những điều xui rủi nên chiếc thuyền phải được làm thật chắc chắn, có kết cấu cân bằng để có thể tải được lượng thức cúng trên mặt thuyền, đồng thời đưa nó trôi nhanh trên sông, càng xa bờ càng tốt. Năm nào mà thuyền trôi không mau hoặc tệ hơn nữa là bị lật ngay khi vừa thả xuống nước thì đó là điềm rủi, dự báo sự không may mắn trong năm mới.

  Về đồ bài trí trên thuyền Tống ôn có sự khác nhau mang tính chất vùng. Ở những vùng cách khá xa sông nước, thức cúng thường là vàng, áo, nổ, gạo, muối, trầu cau, hình nhân thế mạng… Còn ở những nơi mà sinh hoạt hàng ngày cũng như đời sống kinh tế của người dân gắn liền với sông nước như xã Bạch Đằng, Thạnh Phước, Thạnh Hội… thuộc TX.Tân Uyên thì phải có thêm bộ nồi, niêu, dao, thớt, củi, 2 bộ bài, 5 hình nhân thế mạng, 1 khẩu súng… Đặc biệt, những đồ vật trên không phải là đồ mã mà hoàn toàn là đồ thật tuy có kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Đó là đồ thế đại diện cho một gia đình, phản ánh cuộc sống trên sông nước của cộng đồng dân cư nơi đây.

  Diễn tiến của lễ gồm hai phần chính là Khao ôn và Tống ôn - đưa khách. Khao ôn là mời ôn hoàng dịch lệ, cô hồn vất vưởng, tựu trung lại là những người “khuất mặt khuất mày” về nhận đồ cúng tế. Bàn Khao ôn được đặt ngay giữa sân đình, sân miếu hoặc giữa bãi đất trống, phía trước là chiếc thuyền Tống ôn, phía sau trải một chiếc chiếu là nơi thầy pháp tụng cúng. Lễ vật Khao ôn thường gồm một đầu heo, con cá lóc nướng, gà luộc, rau (lang) luộc, mắm sắc, canh, cơm, bình bông, hoa trái… Thầy pháp sẽ thực hiện các nghi thức tụng các bài chú đuổi quỷ, tụng kinh cầu an, làm phép xua đuổi tà ma. Nghi thức tụng niệm diễn ra trong khoảng 1 tiếng, trong khi đó một vị bô lão trong làng hoặc trưởng ban nghi lễ thay mặt cho cả làng, đội văn sớ quỳ phía sau. Sau khi tụng niệm xong, thầy pháp lấy bản văn sớ xuống, đọc rồi đốt. Lúc này, đồ ăn thức cúng trên bàn Khao ôn được trút hết lên thuyền, thầy pháp đốt ba nén nhang thư trên thuyền, miệng đọc chú và khấn. Nội dung khấn đại loại ôn hoàng đã được khao lễ giờ đây hãy vui vẻ đi nơi khác, không được quấy phá dân làng, nếu không sẽ bị trừng trị. Khấn xong ông bỏ luôn ba nén nhang vào trong thuyền, kết thúc lễ Khao ôn và bắt đầu đưa thuyền đi để Tống ôn.

  Tống ôn là đưa chiếc thuyền có lễ vật ra sông để thả. Đoàn Tống ôn khá đông gồm thầy pháp, thành viên Ban quý tế, đội kèn trống, thanh niên khiêng thuyền và rất đông người làng, trẻ con cùng nhau đi tống tiễn. Tới sông, mọi người thả thuyền xuống nước rồi nhanh chóng đẩy thuyền tách bờ sao cho thuyền ra xa càng nhanh càng tốt, những người không chạm được vào thuyền thì hò reo vang dội rất khí thế. Thuyền Tống ôn vững vàng trôi nhanh ra giữa dòng, không bị lật, không bị chìm là kết thúc một lễ Tống ôn thành công. Lễ vật trên thuyền không ai trong làng dám lấy nhưng lại là cơ hội của trẻ chăn trâu nên chúng luôn chờ sẵn và những lễ vật trên thuyền đủ cho một bữa tiệc thật sự. Sau khi thuyền Tống ôn đã trôi xa, đoàn rước mới quay về, ra heo nấu nướng để “khao làng”.

Lễ Tống ôn ngày nay

  Cùng với sự phát triển của xã hội, lễ Tống ôn ngày nay đã được giản tiện đi nhiều. Lễ Tống ôn thường được tổ chức chung trong dịp Kỳ yên tại đình và người thực hiện nghi thức không phải là thầy pháp mà thường là ông trưởng ban nghi lễ. Tuy vậy, vật không thể thiếu vẫn là thuyền Tống ôn và việc làm thuyền được giao cho một người khéo tay trong ban nghi lễ đảm trách. Diễn tiến của nghi thức cũng gồm hai phần chính là Khao ôn và Tống ôn - đưa khách, nhưng đơn giản và nhanh chóng. Sau ba hồi chiêng trống, ông trưởng ban nghi lễ thắp hương ở thuyền Tống ôn và khấn bài khấn Tống ôn. Lời khấn đại để nói ôn hoàng dịch lệ sau khi đã được khao thưởng xin đừng quấy phá xóm làng, điều dữ xua đi, điềm lành mang tới. Nghi thức, lễ tiết ở thuyền Tống ôn cũng dâng đủ ba tuần: tuần hương, tuần rượu, tuần trà. Sau khi nghi thức cúng kết thúc, thức cúng được phân phát cho trẻ con trong làng, thuyền Tống ôn được một đoàn người gồm một vài người trong dàn nhạc, ông chủ lễ, một vài người khiêng thuyền và rất đông trẻ con đi theo. Xuống tới bờ sông, thuyền Tống ôn được đẩy ra xa bờ một cách nhanh chóng. Chiêng trống nổi lên, trẻ con hò reo, một tốp thanh niên khác ùa xuống nước tranh nhau lễ vật trên thuyền. Con thuyền chìm dần rồi mất dạng trên sông, mang theo ý niệm về những điều xui xẻo trong năm chìm sâu xuống nước, mọi người kéo nhau ra về trong niềm hân hoan, vui vẻ.

  Dù có sự khác nhau trong cách tổ chức nhưng ý nghĩa cuối cùng mà Lễ Tống ôn cũng như Lễ xá tội vong nhân là ước vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc, không bị tai ương, dịch bệnh, điều xấu mang đi, điềm lành mang lại. Lễ Tống ôn, Lễ xá tội vong nhân cùng với nhiều lễ hội khác trong năm góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh và làm phong phú thêm kho tàng sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân Bình Dương nói riêng, của người Việt nói chung

ĐỖ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1033
Quay lên trên