Trong thơ đã có nhạc. Vì thế khi thơ được phổ nhạc thì những vần thơ ấy như càng được chắp cánh thăng hoa; cùng nhạc dễ đi vào lòng công chúng hơn.
Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm nhân dịp họp mặt kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ XI
Vừa qua, tham gia chương trình họp mặt chào mừng kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3.9.2010 - 3.9.2020) do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, chúng tôi đã có dịp nghe những lời chia sẻ đầy chân thành của các nhạc sĩ và các nhà thơ, những người luôn khát khao góp thêm cho đời những tác phẩm thật đặc sắc. Theo các tác giả thơ, nếu không có gì khác biệt, các bài thơ sẽ được khép lại qua những trang thơ trong Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Nhưng nhờ các nhạc sĩ phổ nhạc mà thơ có điều kiện bay bổng cùng âm nhạc. Cùng thảo luận đề tài này với các nhà thơ, nhạc sĩ là hội viên CLB Sáng tác ca khúc Bình Dương cho ý kiến, việc phổ nhạc cho thơ đã được thực hiện từ xa xưa, nhiều bài hát đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị của nó như: Quê hương của Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân, Hương thầm của Vũ Hoàng phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Hãy yên lòng mẹ ơi của Lư Nhất Vũ phổ thơ Lê Giang… Với nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, đôi khi phổ nhạc cho thơ còn là vì muốn dành tặng cho nhà thơ một món quà tinh thần. Vì thế, mới đây ông đã phổ nhạc bài “Em và mùa thu” của cố nhà thơ Nguyễn Tôn Nghiêm.
Bằng sự rung cảm nghệ thuật, các nhạc sĩ đã tạo nên sức sống mới cho thơ. Vì thế giữa thơ và nhạc có mối lương duyên sâu nặng. Bởi khi gắn bó với nhau chúng sẽ chặt chẽ hơn, làm xao động lòng người hơn. Vì vậy, nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã khuyến khích các nhạc sĩ và các nhà thơ trong tỉnh cần phát huy hơn nữa việc kết hợp giữa thơ và nhạc để cả hai cùng chắp cánh cho nhau bay cao, bay xa; cần phấn đấu kết hợp chặt chẽ hơn để ngày càng có nhiều tác phẩm đặc sắc phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Chia sẻ thêm trong buổi họp mặt, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết, ông có rất nhiều ca khúc phổ nhạc từ thơ, nhiều nhất là phổ thơ của Lê Giang. Tuy nhiên, nếu chỉ phổ thơ không thì âm nhạc sẽ bị chi phối, công thức, bởi để tìm được bài thơ hay theo ý mình rất khó. Khi sáng tác người nhạc sĩ cần phải biết sở trường, sở đoản của mình là gì và việc phổ nhạc cho thơ có phù hợp với mình hay không.
Ngày nay, dù âm nhạc có những chiều hướng phát triển khác nhau nhưng các nhạc sĩ của Bình Dương vẫn sáng tác theo định hướng và phục vụ tư tưởng chính trị của địa phương. Nhiều ca khúc được đầu tư về khúc thức, hòa âm, phối khí, cả những ca từ trong nhạc còn được phổ từ thơ. Vì thế chất lượng sáng tác cũng được đánh giá cao. Gần đây nhất, tác phẩm “Bởi vì Người là Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ thơ của Felix Pita Rodriguez (nhà thơ của nước Cuba) đã đoạt giải C cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II giai đoạn 2018-2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức là một ví dụ điển hình.
Với sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa nhạc và thơ thì các văn nghệ sĩ Bình Dương hứa hẹn sẽ góp thêm nhiều tác phẩm âm nhạc hấp dẫn, ý nghĩa mang đến công chúng những giai điệu thật bay bổng đầy cảm xúc.
THỤC VĂN