Án oan… dân khổ!

Cập nhật: 17-09-2013 | 00:00:00

Ngày 5-6-2007, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp lối đi giữa nguyên đơn là bà Thủy và bị đơn là bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, cả hai đều ngụ tại KP.1, thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát với một bản án gây tranh cãi vì đã oan sai cho bà Loan trong một thời gian dài. Gần đây, sự oan khuất của bên bị đơn (bà Loan) đã được khắc phục. Những tưởng công lý sẽ được thực thi, nhưng thật trớ trêu khi tính nghiêm minh của pháp luật vẫn đang bị một số người xem thường…  

Gần 8 năm qua dù đã có nhiều văn bản giải quyết nhưng cho đến nay sự việc vẫn đang kéo dài

 Người cố tình không chấp hành pháp luật ở đây là vợ chồng ông L.D.S và bà T.T.C, ngụ cạnh nhà bà Loan. Hành vi của ông S., bà C. đã được chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản xử phạt, cưỡng chế… nhưng họ vẫn dửng dưng, xem như không có vấn đề gì!

Sự việc tóm tắt như sau: Vụ án này lúc đầu chỉ có bà Loan và bà Thủy tranh chấp con đường đi. Theo tất cả các hồ sơ của chính quyền địa phương huyện Bến Cát như: bản đồ chính quy, giấy tờ đất đai… thì con đường vào nhà bà Loan là đường đi công cộng; việc bà Thủy tranh chấp “đòi sở hữu con đường này” là vô lý. Thế nhưng, năm 2007 tòa án hai cấp ở tỉnh Bình Dương qua xét xử đã công nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thủy. Hậu quả để lại là khi án tuyên xong, gia đình bà Loan chẳng có đường nào để vào nhà. Bức xúc trước các bản án của hai cấp tòa, gia đình bà Loan khiếu nại và lúc này TAND tỉnh Bình Dương đã nhận ra sai lầm. Sau đó, TAND tỉnh Bình Dương đã nhiều lần gửi công văn cho TAND tối cao đề nghị sửa sai bằng thủ tục Giám đốc thẩm. Năm 2010, vụ án đã có kết quả Giám đốc thẩm. Sau khi có quyết định Giám đốc thẩm, trải qua các thủ tục trong thời gian gần 2 năm thì vụ việc được ngành tòa án giao cho chính quyền địa phương giải quyết. Ngày 29-6-2012, ngành chức năng tiến hành cắm mốc, xác định lại ranh giới con đường đi chung và buộc bà Thủy phải tháo dỡ hàng rào để gia đình bà Loan có lối đi vào nhà. Như vậy, sau gần 7 năm bà Loan bị xét xử oan sai thì nay lẽ phải đã được thực thi. Thế nhưng, trong lúc ngành chức năng tiến hành nhiệm vụ thì ông S., bà C. là người không liên quan gì đến vụ án trên bỗng dưng nảy sinh tranh chấp với bà Loan. Họ ngang nhiên phá bỏ các cột mốc và dùng kẽm gai rào bít con đường, không cho bà Loan đi lại. Vậy là trong 7 năm, gia đình bà Loan đã vì bà Thủy mà chịu cảnh oan sai nay lại vô cớ gặp “khổ nạn” từ ông S., bà C. mang đến!?

Việc làm của ông S., bà C. đã bị người dân ở địa phương lên án, nhiều ý kiến phê phán vì ông S. là đảng viên nhưng hành động không giống ai! Riêng chính quyền thị trấn Mỹ Phước cũng đã có nhiều biện pháp chế tài, cụ thể như: Ngày 9-1-2013 đã có quyết định xử phạt hành chính đối với ông S., bà C.; ngày 30-1-2013 có quyết định cưỡng chế… và đã nhiều lần mời ông S., bà C. đến giải quyết sự việc nhưng họ đều vắng mặt. Trước sự cố tình không hợp tác của vợ chồng ông S., ngày 7-5-2013, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Mỹ Phước đã có cuộc họp đột xuất và kết luận sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc này bằng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, cho đến nay sự việc vẫn chưa có tiến triển mới; gia đình bà Loan tiếp tục bức xúc vì “có nhà mà không có đường vào nhà”! Mới đây, trao đổi với P.V, lãnh đạo thị trấn Mỹ Phước cho biết: “Trong tháng 9 này sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc”.

Thiết nghĩ với tinh thần thượng tôn pháp luật, đối với những người cố tình đi ngược lại quy định của pháp luật cần phải được xử lý nghiêm minh.

• KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=366
Quay lên trên