Trong những năm qua, tình trạng khiếu nại, tranh chấp đất đai luôn quá tải đối với ngành chức năng. Nguyên nhân xảy ra thực trạng trên có nhiều, trong đó một phần không nhỏ là do người dân không nắm được các quy định của pháp luật dẫn đến việc sang nhượng đất trái quy định như, mua đất bằng giấy tay, thỏa thuận miệng, mua thiếu diện tích… nên cuối cùng xảy ra tranh chấp để lại hậu quả nhất định. Ở góc độ bài viết này, chúng tôi muốn đặt một vấn đề là, khi người dân thiếu kiến thức pháp luật bỏ tiền ra mua đất và họ đã trở thành nạn nhân của những kẻ “giàu” lòng tham và “am hiểu” pháp luật lợi dụng thì ai sẽ bảo vệ? Đâu là cái lý cái tình trong vụ án dưới đây.
Việc mua bán đất giữa các đương sự trên là sự thật, rất cần được quan tâm xem xét
Tình ngay mà lý… không!
Cách đây mấy hôm, bà Trần Thị Tiền, ngụ tại ấp Chợ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã tìm đến Báo Bình Dương trong tâm trạng buồn bã và rất hoang mang. Buồn vì gia cảnh của bà đã thuộc đối tượng nghèo nhất xã; hoang mang vì mảnh đất và căn nhà của cả gia đình bà vừa bị tòa tuyên xử buộc tháo dỡ, trả đất lại cho người khác. Bà kể lại: Năm 2011, cả gia đình bà và các con tích cóp được 40 triệu đồng để mua 93m2 đất của bà Nguyễn Thị Hiền. Là láng giềng với nhau nên việc mua bán giữa họ chỉ viết giấy tay. Người bán, người mua cũng là chỗ thân tình nên không xảy ra vấn đề gì. Sau đó, bà Tiền làm nhà ở và cũng không ai tranh chấp. Nhưng đến tháng 7-2013, bà Nguyễn Thị Ngân khởi kiện bà Tiền làm nhà trên đất bất hợp pháp. Kết quả phiên xét xử sơ thẩm, bà Tiền bị tòa xử buộc phải tháo nhà, trả đất cho bà Ngân. Vì sao?
Qua tìm hiểu vụ án, nhận thấy đây là vụ tranh chấp khá phức tạp mà đương sự là những người quá thật thà nên họ đã trở thành nạn nhân. Việc mua bán đất này liên quan đến rất nhiều người và thực tế bà Tiền đang sử dụng đất, làm nhà ở nhưng khi ra tòa lại thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bị xử thua. Nguồn gốc đất tranh chấp này là của vợ chồng ông Quý, bà Xuyến. Năm 2011, bà Xuyến bán cho bà Lệ 26m ngang và bà Hiền 5m ngang. 5m ngang đất của bà Hiền đo đạc thực tế chỉ có 93m2 nên theo quy định, đất nông nghiệp này chưa đủ điều kiện để tách sổ. Do đó, bà Hiền đành gửi đất vào sổ của bà Lệ và hai bên có thỏa thuận: sau này, khi bà Lệ tách sổ cho con gái là bà Ngân thì bà Ngân sẽ tách sổ trả lại cho bà Hiền. Sau khi thỏa thuận xong như vậy, bà Hiền lại đem bán 93m2 đất đang gửi nhờ trong sổ bà Lệ cho bà Tiền như đã nói trên. Bà Hiền hứa với bà Tiền: “Khi nào cô Ngân có sổ đỏ tách ra giao cho tôi thì tôi sẽ để bà đứng tên 93m2 đất này”! Thế đó, việc sang nhượng đất đai đều được pháp luật quy định rõ ràng nhưng ở đây các đương sự đều hành xử đơn giản như mua một món hàng ở chợ! Sự việc này sau đó diễn ra đúng như dự tính, bà Lệ đã tách 93m2 đất mà bà Hiền gửi nhờ cho con gái là Ngân để bà Ngân tách sổ cho bà Hiền. Nhưng có điều mà mọi người không tính đến là bà Ngân đã không đồng ý điều đó.
Sau khi được mẹ là bà Lệ tách 93m2 đất thì bà Ngân lấy luôn và lập luận rằng: Đây là đất của mẹ cho nên khởi kiện yêu cầu bà Tiền phải trả đất! Đến đây thì bà Hiền và bà Tiền đều chưng hửng; bởi vì trên thực tế xem ra lập luận của mẹ con bà Lệ đều có lý. Còn bà Hiền, bà Tiền thì lại không có chứng cứ rõ ràng để chứng minh. Do đó, việc tòa xử là đúng lý nhưng đã thấu tình chưa thì còn phải bàn!
Ai bảo vệ sự thật?
Điều thể hiện rõ trong bản án sơ thẩm của TAND huyện Dầu Tiếng là có rất nhiều nhân chứng khẳng định: Bà Hiền có gửi 93m2 đất trong sổ đỏ bà Lệ. Người bán đất cho bà Lệ là vợ chồng ông Quý, bà Xuyến cũng khẳng định rõ như vậy; bởi vì chính họ đã bán cho bà Hiền 5m ngang đất này. Phản bác lại các nhân chứng này chỉ có mẹ con bà Lệ. Bà Lệ và con gái của mình là bà Ngân đều cho rằng “bà Hiền không gửi 93m2 đất”. Vậy câu hỏi đặt ra: 93m2 đất này biến đi đâu? Trong khi trong hợp đồng mua bán, ông Quý và bà Xuyến chỉ bán cho bà Lệ có 26m ngang đất.
Về các giấy tờ viết tay mua bán đất giữa các đương sự, gồm có: Giấy mua 5m ngang đất giữa bà Hiền và vợ chồng ông Quý ký ngày 29-8-2011; sau đó bà Hiền bán lại cho bà Tiền cũng bằng giấy tay ký ngày 8-11-2011. Như vậy, việc mua bán của các đương sự là không đúng thủ tục nhưng là điều có thật. Ở đây, chỉ thiếu một tờ giấy; đó là giấy gửi nhờ 93m2 đất của bà Hiền vào sổ đất của bà Lệ mà thôi.
Theo luật định, việc mua bán đất nêu trên là trái thủ tục. Thông thường, các hợp đồng sang nhượng như vậy có thể được tòa xử vô hiệu hoặc thể theo thỏa thuận giữa các đương sự. Nếu vô hiệu thì pháp luật quy định sẽ khôi phục lại quyền lợi ban đầu của các đương sự và xác định lỗi của cả hai bên để tuyên xử công bằng. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là bản án sơ thẩm lại không xem xét vấn đề này. Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc bà Lệ và con gái là bà Ngân có sổ đỏ hợp pháp nên tuyên xử phía họ thắng kiện, buộc bà Tiền phải tháo dỡ nhà, trả đất. Việc tuyên xử như thế là chưa hợp tình và đã bỏ qua sự thật. Sự thật nào? Sự thật là có việc mua bán đất từ bà Xuyến, bà Lệ, bà Hiền và bà Tiền. Sự thật là gia đình bà Tiền - hộ có hoàn cảnh khó khăn đã lao động cật lực mấy chục năm trời mới mua được mảnh đất cất căn nhà cấp 4 để trú ngụ nay đứng trước nguy cơ bị mất trắng. Suy cho cùng, bà Hiền và bà Tiền đều là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Chính vì vậy, họ rất cần được pháp luật xem xét để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Mong rằng, trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, sự việc này sẽ được quan tâm minh xét.
• KIẾN GIANG