Ấn tượng những làng nghề xứ Quảng

Cập nhật: 23-10-2010 | 00:00:00

Vùng đất Quảng Nam, không chỉ được nhiều người biết đến với hai di sản văn hóa thế giới (Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn), mà còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc.

 

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đời này nối tiếp đời kia, những nghệ nhân tài hoa xứ Quảng đã tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, góp phần rất lớn trong việc tạo dựng những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất “chưa mưa đã thấm” - Quảng Nam.

 

  Du khách “Một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau” tại làng rau Trà Quế

Cùng với sự biến thiên của thời cuộc, sự cạnh tranh khốc liệt của các loại sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, các làng nghề Quảng Nam không tránh khỏi mai một dần. Đây là thực trạng chung của các làng nghề truyền thống hiện nay ở miền Trung.

 

Tuy nhiên, bằng nội lực của chính mình, cùng với sự quan tâm khuyến khích hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc đầu tư nguồn lực, tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Đặc biệt là sự gắn kết giữa văn hóa làng nghề với hoạt động du lịch trong nhiều năm qua, nên nhiều làng nghề ở Quảng Nam đang có tín hiệu hồi sinh trở lại. Hoạt động của các làng nghề đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp cho người lao động sống được với nghề truyền thống của mình.

 

 

 

Trong chuyến đi thực tế dọc các làng nghề miền Trung vừa qua, các làng nghề xứ Quảng đã để lại trong tôi những ấn tượng về sự hồi sinh này. Đi đầu trong các làng nghề hiện nay ở Quảng Nam là làng đúc đồng Phước Kiều, với những bước đột phá trong tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, thích nghi nhanh với cơ chế thị trường.

 

Từ chỗ chỉ là những hộ gia đình sản xuất riêng lẻ, đến nay làng nghề Phước Kiều đã hình thành một Hợp tác xã và các doanh nghiệp tư nhân, quy tụ hầu hết các nghệ nhân trong làng, với hơn 20 lò đúc đêm ngày đỏ lửa, 25 cửa hàng giới thiệu sản phẩm được hình thành dọc Quốc lộ 1A đi qua xã Điện Phương. Nếu có dịp ngang qua đây, du khách như lạc vào một siêu thị với bạt ngàn sản phẩm đúc đồng tinh xảo bày bán suốt ngày đêm.

 

Anh Dương Ngọc Thắng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phước Kiều cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng làng đúc đang hồi sinh trở lại, lớp thợ trẻ đã gắn bó hơn với nghề... Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ cho khách du lịch và các đầu mối đặt hàng từ Tây Nguyên... Doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng từ 150-200 triệu đồng/năm. Làm phép tính nhanh, với 25 cửa hàng ở Phước Kiều, bình quân sản phẩm tiêu thụ tại chỗ đã đạt trên 5 tỷ đồng. Đây quả là con số đáng mừng nói lên sức sống của làng nghề.

 

Rời Phước Kiều, chúng tôi đến Thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) - nơi có làng dệt Mã Châu nổi tiếng với sản phẩm tơ lụa mà đến nay vẫn còn truyền tụng: “Mã Châu tơ lụa mỹ miều, ban mai cửi mắc buổi chiều tơ giăng”. Làng lụa Mã Châu hiện nay đã được quy hoạch lại tập trung trên diện tích 250ha, với hơn 160 hộ gia đình quanh năm ươm tơ dệt lụa. Đây là mô hình gắn kết hiệu quả giữa làng nghề và phát triển du lịch.

 

Trên đường vào thăm thánh địa Mỹ Sơn, khi ngang qua đây, du khách không thể không dừng lại chiêm ngưỡng làng nghề đặc sắc này, được tận mắt thấy những bàn tay tài hoa của các cô thôn nữ Mã Châu thoăn thoắt như múa trên khung dệt. Hàng năm làng lụa Mã Châu đã cung ứng cho khách và thị trường hơn 500.000 m lụa, 1 triệu khăn mặt, hơn 1 triệu mét vải các loại... Doanh thu từ làng nghề đạt gần 3 - 5 tỷ đồng. Tơ lụa Mã Châu không chỉ bó hẹp là sản phẩm lưu niệm cho du khách, mà còn có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đang được các doanh nghiệp xuất khẩu ở Quảng Nam và Đà Nẵng đặt hàng.

 

Ở làng gốm Thanh Hà, ngoài chính sách đầu tư của tỉnh, Thành phố Hội An còn đầu tư hàng trăm triệu đồng để năng cấp, chỉnh trang hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng cho nghề gốm, mỗi hộ làm gốm được hưởng lợi từ hoạt động du lịch của thành phố từ 700.000-1.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là làng nghề còn khó khăn nhất hiện nay ở Quảng Nam, doanh thu từ bán sản phẩm chưa vượt quá 100 triệu đồng/năm, nhưng bù lại với quyết tâm của thị xã Hội An xây dựng làng gốm Thanh Hà thành làng du lịch và cơ hội vươn lên vẫn còn ở phía trước.

 

Riêng làng mộc mỹ nghệ Kim Bồng lâu nay vẫn duy trì được sản xuất và trở thành một thương hiệu có tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm mộc Kim Bồng không chỉ đã trở thành thương hiệu có tiếng trong nước, mà đã có mặt trên thị trường Âu, Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu mộc mỹ nghệ của làng nghề đạt hơn 2 triệu USD/năm.

 

Một trong những cơ hội lớn của các làng nghề Quảng Nam là việc hình thành tour du lịch “Con đường di sản miền Trung”, trong đó các làng nghề trở thành những điểm nối hành trình. Trong số 12 làng nghề đặc sắc ở miền Trung đã được khảo sát, Quảng Nam có đến 5 làng nghề góp mặt là: Mộc Kim Bồng, lụa Mã Châu, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều.

 

Làng rau Trà Quế hiện nay đang là mô hình hiệu quả nhất trong việc kết hợp làng nghề truyền thống với làng nghề du lịch. Tour du lịch “Một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau” đang thực sự thu hút đông đảo du khách quốc tế. Làng hiện có 220 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó có gần 200 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 ha. Mới đây, làng rau Trà Quế - Hội An vừa chính thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam qua thương hiệu “Trà Quế - Hội An”. Theo thống kê của Trung tâm lữ hành thuộc Công ty Dịch vụ du lịch Hội An, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm có hơn 1.000 lượt khách nước ngoài cùng hàng ngàn khách nội địa đến “làm nông dân” tại làng rau này. Doanh thu từ du lịch của làng rau Trà Quế đã đạt trên 3 tỷ đồng/năm.

 

Hiện tại Quảng Nam có trên 90 làng nghề đang hoạt động, tuy còn nhiều khó khăn trong phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhưng những tín hiệu hồi sinh của các làng nghề là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để các làng nghề hồi sinh và phát triển bền vững, ngoài nỗ lực tự thân của các làng nghề cũng rất cần một cơ chế khuyến khích hỗ trợ đầu tư tích cực về vốn, thuế, đào tạo lao động, xúc tiến mở rộng thì trường tiêu thụ sản phẩm từ các cấp ngành chức năng.

 

Hy vọng, với chủ trương quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống đang được triển khai hiện nay ở Quảng Nam, các làng nghề xứ Quảng sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

 

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=339
Quay lên trên