Ngành y tế cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 7 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Hiện nay đang là cao điểm SXH, do đó, tình hình SXH được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Hà (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế về tình hình SXH trên địa bàn tỉnh.
- Xin BS cho biết rõ hơn về diễn biến bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Diễn biến bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong quý III vừa rồi tăng rất nhanh, tăng khoảng 2 lần so với 2 quý đầu năm. Trong tháng 8-2015, số ca SXH trên địa bàn tỉnh tăng vọt, với 631 ca (tăng hơn 77% so với tháng 7) và có 4 ca tử vong. Trong 8 tháng đầu năm, số ca SXH đã lên đến 1.776 ca (tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2014). 3 tuần đầu tháng 9-2015, số ca SXH lại đang tiếp tục gia tăng và đã có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số tử vong đến thời điểm này lên 7 ca.
Tình hình SXH trên địa bàn tỉnh có tăng đều ở các địa phương, nhưng cao nhất là ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một, kể cả số ca mắc và số ca tử vong. Trong đó, TX.Dĩ An là địa phương có số ca SXH tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2014.
- Trước tình hình trên, ngành y tế đã triển khai những biện pháp phòng chống, điều trị như thế nào, thưa BS?
- Ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo ngành y tế và các ngành chức năng tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Theo đó, ngành y tế xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp dập dịch và tổ chức công tác thu dung điều trị. Về công tác phòng chống dịch, ngành đã tổ chức thông tin truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời huy động lực lượng tổ chức công tác vệ sinh môi trường ở những huyện, thị trọng điểm có SXH tăng cao; tổ chức điều tra mật độ côn trùng và chỉ số lăng quăng. Ngoài ra, ngành cũng đã tổ chức phun hóa chất diện rộng để dập dịch nhằm hạ thấp tỷ lệ người mắc SXH. Riêng tại TX.Dĩ An - địa phương có số ca SXH cao nhất, đến nay đã tổ chức 2 đợt phun hóa chất cho 100% trường học trên địa bàn và tại ấp Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp.
Về công tác điều trị, nhằm nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong do SXH, ngành y tế đã phối hợp với Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho tất cả đội ngũ y, BS trong hệ thống y tế Nhà nước và y tế tư nhân; đồng thời rà soát lại các cơ sở thu dung điều trị và chuẩn bị cơ số thuốc phòng chống dịch cũng như điều trị, sẵn sàng xử lý kịp thời khi có dịch SXH tăng cao.
- Trước tình hình dịch bệnh tăng cao như hiện nay, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động, tăng giá thuốc. Vấn đề này đã được Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện như thế nào, thưa BS?
- Việc chuẩn bị thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh và bình ổn giá thuốc trên địa bàn luôn được ngành y tế quan tâm thực hiện và đưa vào kế hoạch thực hiện từ đầu năm.
Để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh SXH, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ cơ số thuốc, bảo đảm không để thiếu thuốc trong quá trình điều trị. Trong thời gian qua, ngành y tế cũng đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt việc bình ổn giá thuốc trên địa bàn. Chúng tôi có thể khẳng định, tại Bình Dương không có hiện tượng tăng giá thuốc và không để thiếu thuốc trong quá trình điều trị, đặc biệt là trong tình hình SXH tăng cao như hiện nay.
- Theo dự báo, tình hình dịch bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngành y tế có khuyến cáo gì, thưa BS?
- Qua hệ thống giám sát, theo dõi và đặc điểm tình hình về môi trường, dự báo tình hình bệnh SXH ở Bình Dương trong thời gian tới vẫn tiếp tục gia tăng về số ca mắc.
Hiện nay, SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu mắc phải SXH, khả năng tử vong rất cao. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Mặc quần áo dài tay cho trẻ nhỏ kể cả ban ngày và không cho trẻ em vui chơi ở khu vực thiếu ánh sáng trong nhà; dọn dẹp và loại bỏ tất cả các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà, trong nhà như vỏ dừa, vỏ xe, lọ hoa, lon bia…
Đối với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bình hoa phải thường xuyên thay nước và cọ rửa sạch sẽ ít nhất một tuần/lần để muỗi không có nơi cư trú và sinh sản; thay đổi thói quen ngủ mùng, kể cả ban ngày và trong nhà cao tầng, vì ở đâu có người là ở đó có muỗi SXH; khi có dấu hiệu sốt cao liên tục và dù đã sử dụng thuốc hạ nhiệt nhưng không giảm sốt hoặc có giảm ít thì nên nghi ngờ mắc bệnh SXH, các bậc cha mẹ cần đưa con em, người thân của mình đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
- Xin cảm ơn BS!
HỒNG THUẬN (thực hiện)