Bảo tồn những “cây đại thụ” trong nghệ thuật di sản

Cập nhật: 04-04-2017 | 20:55:25

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nơi đây từ xưa đã góp cho phong trào tài tử miền Đông nhiều thế hệ nghệ nhân nổi tiếng như: Giáo Khái, Giáo Thinh, Ba Còn… Để bảo tồn và phát triển bền vững đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Bình Dương, nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã khẳng định “Nghệ nhân là lực lượng quan trọng trong chiến lược bảo tồn ĐCTT”.

 Các nghệ nhân Bình Dương đờn trong liên hoan ĐCTT Đông Nam bộ mở rộng năm 2016

 Những nét riêng của ĐCTT Bình Dương

Qua khảo sát thực tế về hoạt động phong trào ĐCTT Bình Dương, chúng tôi đã có dịp cùng nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương” đúc kết nên những nét riêng trong ĐCTT ở Bình Dương. Hiện nay, phong trào ĐCTT Bình Dương hoạt động sinh hoạt trong hệ thống các CLB từ tỉnh đến xã. Trong đó, CLB ĐCTT TX.Thuận An là điểm sinh hoạt tập hợp đông đảo các tài tử, không khí sinh hoạt đầm ấm. TX.Thuận An từ lâu là địa phương có phong trào ĐCTT phát triển mạnh ở Bình Dương. Hàng năm, vào ngày 12-8 âm lịch, ở TX.Thuận An có tổ chức cúng Tổ với quy mô lớn, xuất phát từ lễ giỗ Tổ tại nhà cụ Út Lăng - một nghệ nhân ĐCTT nổi tiếng ở đất Thủ. Lễ giỗ Tổ ĐCTT ở TX.Thuận An lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1987 và trở thành thông lệ hàng năm cho đến nay.

Ở một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao luôn quan tâm sâu sát đến hoạt động của CLB. Ở huyện Dầu Tiếng, trong các kỳ sinh hoạt của CLB huyện, Ban Giám đốc dành thời gian tham dự, hỗ trợ tối đa về âm thanh, ánh sáng và cho lắp đặt sân khấu ngoài trời để đông đảo tài tử và công chúng có thể tham gia. Tất cả đều miễn phí, mọi người chỉ cần tốn một ít tiền mua nước giải khát và ngồi thưởng thức. Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng quan tâm đến đời sống tinh thần cho công nhân, đã đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao để cán bộ, công nhân vui chơi giải trí. Trung tâm cũng là nơi sinh hoạt định kỳ của một bộ phận công nhân đam mê ĐCTT. Hàng năm, trong các hội thi do công ty tổ chức, Ban Giám đốc có cơ cấu giải thưởng dành riêng cho cổ nhạc, thu hút đông đảo các tài tử của CLB ĐCTT huyện Dầu Tiếng và cũng là công nhân lao động tham gia.

Ngoài hình thức sinh hoạt tại CLB, các tài tử còn sinh hoạt tại nhà, quy tụ đông đảo tài tử tham gia. Chẳng hạn ở huyện Bàu Bàng, tại nhà chú Tư Tôn kinh doanh vật tư nông nghiệp, các buổi sinh hoạt còn có các tài tử từ huyện Chơn Thành (Bình Phước) tham gia. Tại nhà nghệ nhân Tấn Xuân (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên), ngoài các tài tử ở địa phương còn có các tài tử đến từ huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Còn ở TX.Thuận An, khi tổ chức sinh hoạt thì các tài tử đến từ CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 12 (TP.Hồ Chí Minh) cũng đến tham gia. Việc giao lưu giữa các CLB trong và ngoài tỉnh với nhau sẽ góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, các tài tử dễ dàng trao đổi kinh nghiệm hoặc mở rộng mối quan hệ trong giới.

 Bảo tồn nghệ nhân ĐCTT

Từ lâu ĐCTT Bình Dương được giới chơi nhạc biết đến với những nghệ nhân tài hoa như: Sư Dung, Út Lăng, Ba Còn… Kế tục sự nghiệp mà các nghệ nhân tiền bối đã trao truyền, phong trào ĐCTT ở Bình Dương hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều tài tử tham gia sinh hoạt trong các CLB chính thống hoặc đội nhóm tự phát. Do đó, muốn bảo tồn và phát huy bền vững loại hình nghệ thuật đặc trưng này cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành văn hóa, khai thác hợp lý nhằm truyền bá với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa, thành viên nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương”, ngoài những giải pháp tích cực về công tác tổ chức, quản lý thì cần có thêm giải pháp bảo tồn. Vì đây là những giải pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động, quyết định đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của ĐCTT. Nghệ nhân là lực lượng quan trọng trong chiến lược bảo tồn ĐCTT. Nghệ nhân có thể là người lớn tuổi, trước đây đã có thời gian dài đánh nhạc, nắm rõ tất cả các bài bản. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nghệ nhân am hiểu bài bản và tâm huyết bảo tồn ĐCTT đã lớn tuổi, số lượng còn lại rất ít. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đào tạo lực lượng kế thừa các nghệ nhân là những “cây đại thụ” trong giới ĐCTT Bình Dương.

Cũng theo thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa, công tác bảo tồn phải xuất phát từ gia đình bởi vì gia đình là môi trường truyền nghề tốt nhất cho các thế hệ mai sau. Do đó, việc bảo tồn nghệ nhân có khả năng diễn tấu điêu luyện là việc làm cần thiết, cần có những biện pháp thực thi ngay trước khi những tri thức dân gian này chìm trong lãng quên. Bảo tồn nghệ nhân không phải là kéo dài tuổi thọ mà là khai thác và bảo tồn những kiến thức mà nghệ nhân đã lưu giữ và ghi nhớ trong tâm thức. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch có thể tổ chức điều tra, thống kê số lượng nghệ nhân và gia đình có chơi và truyền dạy ĐCTT từ xưa đến nay. Qua đó, phát động phong trào bảo tồn nhạc tài tử đến tất cả các thành viên của CLB, quy tụ được sự đóng góp của các nghệ nhân, tập hợp các nghệ nhân tham gia vào các CLB với tư cách là cố vấn chuyên môn. Mặt khác, thường xuyên động viên tinh thần các nghệ nhân, tặng quà, thăm hỏi vào những dịp lễ, tết. Đây là những việc làm ý nghĩa thể hiện sự quan tâm đến các nghệ nhân, để họ gắn bó sâu sắc và cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật nhạc lễ. Nên công nhận họ là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân… bình đẳng như các loại hình nghệ thuật khác.

Nếu các nghệ nhân được tạo điều kiện để tham gia bảo tồn ĐCTT, thì trong tương lai ĐCTT Bình Dương sẽ được tiếp thêm nội lực để vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình giao lưu và hội nhập với văn hóa thế giới. Qua đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và ĐCTT mãi sống trong tâm thức của người Bình Dương.

 THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=601
Quay lên trên