Bình Dương là địa phương thu hút khá đông lao động từ các tỉnh, thành đến làm ăn sinh sống. Vấn đề an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm, đặc biệt là công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em phòng tránh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.
Đoàn viên thanh niên phối hợp với lực lượng công an ra quân tuyên truyền về tác hại ma túy
Phòng tránh trẻ lây nhiễm HIV/AIDS
Hiện toàn tỉnh có 308.640 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi. Trong đó có một số trẻ em sống lang thang, thiếu sự bảo vệ, chăm sóc của người thân dẫn đến nhiều hệ lụy như: Nạn nhân của nạn buôn người, các em có thể bị đánh đập trấn lột bất cứ lúc nào, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào tệ nạn xã hội…
Được thành lập từ đầu năm 2013, hiện nay trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã có 10 câu lạc bộ (CLB) tại các khu phố. Hoạt động của các CLB này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/ AIDS trong cộng đồng. Để bảo vệ chăm sóc trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, Bình Dương đã thành lập 40 CLB “Trẻ em phòng tránh HIV/AIDS” với 1.200 trẻ. Các thành viên chủ yếu là con của người lao động nhập cư, trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Bà Đoàn Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “10 CLB này được thành lập ở 4 phường gồm: Hiệp An, Phú Lợi, Chánh Nghĩa, Phú Thọ có nhiều trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm. Hơn 300 em có độ tuổi từ 8 đến dưới 16 tuổi đang tham gia sinh hoạt ở các CLB là trẻ mồ côi, trẻ thuộc diện hộ nghèo, trẻ lang thang, đi bán vé số dạo. CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt, vui chơi, hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS nên thu hút rất nhiều em tham gia”.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên
Để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao, TX.Dĩ An phát huy hiệu quả mô hình CLB Vì tương lai. Hoạt động của CLB hướng đến những thanh niên sống buông thả hoặc những thanh niên đã có gia đình, có con em nằm trong nhóm nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS.
Các thành viên trong CLB hầu hết là những bạn trẻ sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết. Nhiệm vụcủa họ là cảm hóa, giáo dục thanh niên chậm tiến, tuyên truyền về cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em. Công việc của họ phải thường xuyên rong ruổi trên các khu phố, bám sát địa bàn, dõi theo các đối tượng nghi, nghiện ma túy để cảm hóa, giáo dục. Hàng năm, các tổ chức đoàn thể thị xã lên kế hoạch phối hợp với công an, quân sự rà soát đối tượng nghi, nghiện, thanh niên chậm tiến… để hướng họ vào tổ chức nhất định.
Không chỉ vậy, để cảm hóa giáo dục thanh niên lầm lỡ hòa nhập cộng đồng thì đôi khi người tình nguyện viên còn phải xông pha vào điểm nóng về ma túy mà không nghĩ rằng hiểm nguy đang rình rập. Anh Phạm Chiến Thắng, Bí thư Thị đoàn Dĩ An, chia sẻ: “Phần lớn những người nghiện ma túy khi đói thuốc thì bất chấp tất cả, sẵn sàng làm liều. Vì vậy, người tình nguyện viên cần cư sử khéo léo, tiếp cận đối tượng giúp họ vượt qua cơn nghiện vật vã và hơn hết bảo vệ con em, người thân trong gia đình họ”.
Đây là công việc khá khó nên mỗi thành viên trong CLB không chỉ làm công tác vận động mà bản thân họ còn biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng để cảm hóa, giáo dục những thanh niên ấy trở thành người có ích. Theo kinh nghiệm của một số thành viên, những thanh niên lầm lỡ luôn sống trong mặc cảm, thu mình trong thế giới riêng nhỏ bé. Sự ra đời của CLB không nằm ngoài mục đích hòa nhịp trái tim, kết nối yêu thương, góp phần vào việc đẩy lùi tệ xã hội.
KIM HÀ