Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), UBND huyện Bàu Bàng đã chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt các giải pháp cấp bách nhằm phòng, chống có hiệu quả bệnh DTHCP.
Nhân viên Trang trại chăn nuôi heo Anh Khoa (xã Long Nguyên) phun xịt khử trùng và rắc vôi bột trước cổng vào nhằm phòng chống bệnh DTHCP. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Tiêu hủy trên 200 con heo bệnh
Huyện Bàu Bàng có quốc lộ 13, các đường ĐT741B, ĐT741, đường Hồ Chí Minh đi qua, lại giáp ranh với TX.Bến Cát, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) - nơi có nhiều hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo. Hiện toàn huyện có tổng đàn heo gần 237.600 con, trong đó chăn nuôi nhỏ, lẻ có 251 hộ với trên 4.630 con, chăn nuôi gia trại có 56 gia trại với trên 12.200 con, chăn nuôi trang trại có 70 trang trại với gần 221.000 con.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng, đến thời điểm này toàn huyện đã tiêu hủy 208 con heo/9.291 kg do bị bệnh DTHCP. Trạm cũng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn tiêu độc, sát trùng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn; chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, phun xịt tất cả phương tiện chăn nuôi ra vào hộ, trại chăn nuôi; tổ chức hoạt động tốt các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời trên địa bàn…
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết nguy cơ bệnh DTHCP lây lan qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao. Để phòng chống bệnh dịch hiệu quả, huyện đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó. Bên cạnh đó, trạm đã và đang tăng cường tuyên truyền người chăn nuôi cần hạn chế sử dụng thức ăn dư thừa cho heo ăn, vệ sinh sát trùng, rắc vôi trước cổng ra vào chuồng trại. Cùng với đó, huyện đã thành lập tổ trực chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời ở cầu Tham Rớt và tổ trực chốt trực 24/24 giờ.
Giám sát chặt chẽ đàn heo nuôi
Ghi nhận tại Trang trại chăn nuôi heo Anh Khoa (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) cho thấy, trang trại có trên 2.000 con heo. Trang trại đã chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra vào thăm cơ sở chăn nuôi. Trang trại còn thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng từ xa trên lối ra vào bằng vôi bột…
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, nói: Do địa phương nằm trong vùng dễ bị bệnh DTHCP lây lan nên trong những ngày này, công tác phòng chống DTHCP luôn được địa phương chủ động và khẩn trương. Địa phương thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các điểm, lò giết mổ tập trung trên địa bàn. Cùng với đó, địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các lò giết mổ và môi trường chăn nuôi hàng ngày.
Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên giám sát chặt chẽ đàn heo nuôi tại địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nhanh khi phát hiện heo mắc bệnh DTHCP, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Ngành chức năng, các địa phương trong huyện cũng tiếp tục vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng tần suất vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
THOẠI PHƯƠNG