Tình yêu là một đề tài rất hấp dẫn, có sức lôi cuốn đặc biệt đối với các văn nghệ sĩ. Vì thế, tình yêu luôn là đề tài muôn thuở của các văn nghệ sĩ trong sáng tác. Thưởng thức các tác phẩm thơ nhạc về tình yêu trong mùa Nguyên tiêu Đinh Dậu 2017, đông đảo khán giả Bình Dương đã không khỏi bồi hồi xao xuyến.
Những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu mãi mãi không bao giờ trả lời được trọn vẹn câu hỏi: Tình yêu bắt đầu từ đâu? Và nhà thơ Xuân Diệu cũng vậy, với một khát vọng truy tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở của nhân loại: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Thi sĩ đã đưa ra cách lý giải tưởng như rất vu vơ, hồn nhiên ngây thơ nhưng lại đúng với quy luật tình cảm, tâm lý của con người: “Có khó gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu” (Vì sao)…
Tiết mục “Bình Dương hương sắc dịu dàng” trong Hội thi Giọng hát hay ca khúc về Bình Dương
Nhiều người chỉ biết rằng “Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều”. Khi yêu người ta thường mơ mộng, ước mong. Có người thì ước rằng: “Ước gì trong trái tim em/ Có con đường hẻm để tôi lạc vào”, hoặc có người lại ước rằng: “Ước gì em hóa biển khơi/ Anh thành con sóng trọn đời ru em”. Còn nhà thơ Bùi Nhựa ở Bình Dương thì lại ước rằng: “Ước gì anh hóa chiếc gương/ Để cho em cứ vấn vương mỗi ngày”. Sau khi diễn ngâm bài thơ Chiếc gương của Bùi Nhựa, nghệ sĩ Lý Bạch Huệ đã chia sẻ, lúc sinh thời nhà thơ Thu Bồn cũng là một gã si tình. Ông viết: “Em đến rồi em lại đi/ Biến tôi thành gã Trương Chi không đàn”. Khi say thì ông thật thà thú nhận: “Anh yêu em giống con bì đeo chiếc ách/ Nên trọn đời tiếng rống vẫn còn cong”.
Còn với nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Thị Kim Ngoan, tình yêu tuổi học trò thật nhẹ nhàng tinh tế: “Người đâu biết tình ngây thơ ngày ấy/ Tôi nâng niu gìn giữ trong tim mình/ Giờ ra chơi dưới hàng tràm êm ả/ Mắt ai nhìn chan chứa cả trời thơ”. Nhưng cũng có lúc cô khờ khạo: “Sợ tình yêu làm vỡ trái tim mình/ Nên trốn chạy tình người trao tha thiết”.
Cũng với đề tài về tình yêu, nhưng ở nhà thơ Lê Tiến Mợi thì tình yêu ấy còn mông lung lắm. Một tình yêu đơn phương, một nỗi niềm còn gói kín trong tâm hồn, tình yêu chỉ dừng lại bằng những mơ ước, ước mong sẽ được đón em về trong một chiều hoàng hôn tím. Để rồi mai này gặp lại, “Hoài niệm hoàng hôn” cứ dâng tràn làm tâm hồn ông thêm mãnh liệt: “Cho anh hôn vầng trăng em để lại/ Một nụ hôn cay chát ở nhà hàng… Trong đời thường nỗi đau ai quằn quại/ Vướng nhà thơ để giấc mộng không thành”.
Dựa trên câu ca dao lời ru xưa quen thuộc: “Đa đa nó đậu cành đa/ Chồng gần không lấy sao lấy chồng xa?”, nhạc sĩ Võ Đông Điền đã viết nên “Tiếng hát chim đa đa” với những lời lẽ chân chất dễ hiểu, dễ nhớ nói lên một mối tình đẹp tinh khôi trong trắng của đôi trai gái thời thơ ấu, nên rất dễ đi vào lòng người. “Tình cờ tôi lại gặp em ta đi chung trên một chuyến đò/ Con đò chiều đưa khách sang sông/ Tình cờ ta nhận ra nhau nghe mênh mông nhớ chuyện hôm nào/ Để đò chiều sóng vỗ lao xao”. Tình yêu của nhạc sĩ Võ Đông Điền còn được đông đảo người yêu nhạc biết đến với những giai điệu nhẹ nhàng đầy chất thơ trong “Người đẹp Bình Dương”, “Bình Dương một khúc tình quê” hay “Bình Dương hương sắc dịu dàng”…
Với những tứ thơ tình yêu lãng mạn, nhạc sĩ Phan Hữu Lý đã phổ nhạc thành công bài “Huế và mối tình đầu” để lưu giữ lại những kỷ niệm với người con gái Huế khi đến Bình Dương. Viết về tình yêu đôi khi còn được ông ví von như: Chiều nghe suối hát, Cánh hoa xuân thì, Còn mãi xuân nồng… Còn với nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, tình yêu của ông luôn xuất hiện trong mỗi chuyến đi. Bởi mỗi hành trình đều để lại trong ông nhiều kỷ niệm và tình yêu với đất và con người. Yêu sao bóng dáng cô công nhân cạo mủ cao su trong “Dưới vòm lá xanh”, hay những lúc mơ màng “Có phải em về trên đồi ngâu”, và tình yêu như càng bay bổng, ngất ngây tâm hồn trong mùa xuân với “Em và mùa xuân”, “Hương xuân”.
Dưới ánh trăng tròn sáng trong của Tết Nguyên tiêu cùng nhau thưởng thức những vần thơ, những lời ca với muôn ngàn niềm tin vui, phấn khởi. Các văn nghệ sĩ Bình Dương đang ấp ủ trong mình nhiều ý tưởng và hứa hẹn sẽ cho ra đời nhiều xuất phẩm về tình yêu vừa lãng mạn, vừa triết lý để “con người luôn sống để yêu nhau”.
THỤC VĂN