Những ngày qua, cả khu khám bệnh ngoại trú và khu nội trú của khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người phải mắc võng dưới hàng cây trong sân bệnh viện cho con nằm để bớt nóng, chật chội…
Tất bật hơn vì bệnh nhân đông
Đến khoa Nhi BVĐK tỉnh chúng tôi chứng kiến được cảnh tất bật của y, bác sĩ cũng như người nhà đang chăm bệnh tại đây. Nhiều nhân viên phải chạy đi chạy lại giữa 2 khu nội và ngoại trú. Chị Tô Thị Kim Anh, điều dưỡng hành chánh của khoa vừa đảm nhiệm việc tiêm chủng khi có lịch vừa trực, ghi sổ sách. Chị Kim Anh cũng như các bác sĩ ở đây cho biết, đang quá tải bệnh nhi ở cả khoa ngoại lẫn nội trú.
Bệnh nhi nhập viện mùa nắng nóng thường gặp là các bệnh tiêu chảy cấp, hội chứng lỵ, ngộ độc thức ăn… Bệnh đường hô hấp thì có viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang), viêm đường hô hấp dưới (hen phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí phế quản…). Các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, quai bị, tay chân miệng… vẫn còn và nguy cơ lây lan bệnh rất cao nên phải cẩn trọng trong phòng, chống bệnh. Bệnh da liễu có rôm sảy, chốc… nếu không giữ vệ sinh thân thể, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày. Số liệu từ khoa Nhi cho thấy bệnh sởi vẫn tăng: Tháng 2 có 12 ca và tháng 3 đã tăng lên 31 ca; bệnh tiêu chảy cũng tăng với tháng 2 là 224 ca, tháng 3 tăng lên 309 ca…
Cần chăm sóc trẻ kỹ hơn trong mùa nắng
Đó là khuyến cáo của bác sĩ với phụ huynh bởi đây là mùa dễ lây bệnh nhất nếu không ăn uống đủ chất và vệ sinh tốt. BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi nói: “Với các khu đông dân cư, khu nhà trọ ẩm thấp, vệ sinh môi trường kém là nơi trẻ dễ mắc bệnh hơn. Thời tiết nắng nóng nên dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm trẻ em, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Các bậc phụ huynh cần giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phát quang các bụi rậm quanh nhà. Trẻ cần được giữ vệ sinh cá nhân, tắm gội thường xuyên ngay cả khi trẻ mắc các bệnh ngoài da như thủy đậu, chốc, rôm sảy… Không nên để quạt máy quạt thẳng vào người trẻ vì dễ dẫn đến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Thời tiết nắng nên vi khuẩn dễ phát triển trong thức ăn, nước uống, vì vậy các bậc phụ huynh cần chọn lựa thực phẩm tươi sống, bảo đảm vệ sinh trong chế biến và bảo quản thực phẩm, không nên cho trẻ uống nước giải khát không rõ nguồn gốc, không ăn hàng rong”.
Mùa nắng nóng cũng nên cho trẻ uống nhiều nước để phòng mất nước. Thời tiết nắng nóng các bà mẹ cần tăng cường cho trẻ uống thêm nước trái cây để tăng sức đề kháng đối với trẻ. Cần cho trẻ đến các cơ sở y tế ngay khi trẻ có một số biểu hiện, như: Trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên; than đau miệng và nổi các bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối; trẻ thở mệt, thở nhanh; bỏ ăn, bỏ bú, lừ đừ; ói nhiều hoặc tiêu phân lỏng nhiều nước, nhiều lần…
BS Minh Nguyệt cũng nhắc nhở rằng, hầu hết các bệnh nhi sẽ dễ dàng điều trị (có thể điều trị ngoại trú) nếu phát hiện sớm. Bệnh sẽ trở nặng thành các biến chứng nguy hiểm rất khó điều trị, tốn kém và kéo dài thời gian nằm viện. Thế nên, khi nghi ngờ con bệnh cần phải được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán bệnh kịp thời chứ không nên tự ý mua thuốc uống hoặc để quá lâu.
QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN