Bệnh sởi vẫn là mối lo của các bậc phụ huynh khi số bệnh nhân mắc bệnh vẫn còn trong những ngày qua. Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh này.
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Q.NHƯ
Theo BS Tuyết, bệnh sởi do nhiễm vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn.
Các dấu hiệu thường gặp của bệnh sởi là: có sốt (đầu tiên: sẽ có các triệu chứng sốt nhẹ sau sốt cao), phát ban (xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ). Ban sẽ mất đi theo trình tự đầu, cổ, chân tay, để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da loang lổ như da cọp nên được gọi là “vết vằn da hổ”. Ngoài dấu hiệu sốt, phát ban có kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, hắt hơi, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.
Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, người bệnh dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS… Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi có thể gây ra sẩy thai, đẻ non. Trong các biến chứng của bệnh sởi, biến chứng thần kinh là nguy hiểm nhất dễ gây tử vong.
Về thắc mắc đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh này và trẻ dưới 9 tháng tuổi đã tiêm ngừa vắc-xin 5 trong 1, trong đó có ngừa bệnh sởi có khả năng bị mắc bệnh hay không? BS Tuyết cho biết: Mọi người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là: trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc- xin; trẻ đã tiêm vắc-xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; người lớn do chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc-xin sởi trước đây. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc-xin sởi.
Cần chú ý, vắc-xin 5 trong 1 không có vắc-xin phòng bệnh sởi. Chỉ có vắc-xin 3 trong 1 gồm sởi - quai bị - rubella tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi.
Lời khuyên của BS Tuyết về việc phòng tránh bệnh sởi là: tiêm vắc-xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Trong nhà, nếu có trẻ bệnh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác ở trường. Hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban, người chăm sóc trẻ nên mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người…
QUỲNH NHƯ (thực hiện)