Ngày 29-7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng đi với đoàn có Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Điển hình của cả nước về chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 các tỉnh miền Đông Nam bộ, cho biết hiện Bình Dương có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Qua khảo sát thực tế, hiện tỉnh đang thực hiện rất tốt công tác chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ ở tầng 1 Bệnh viện dã chiến Becamex. Chưa có tỉnh nào làm tốt công tác chăm sóc F0 như ở Bình Dương và đoàn sẽ báo cáo với Bộ Y tế, Chính phủ xem đây là mô hình điển hình cho cả nước thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Y tế với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều 29-7
“Tuy nhiên, hiện nay tỉnh cần nâng cấp tầng 2, tầng 3 trong công tác điều trị F0. Tầng 3 là tầng hồi sức tích cực (ICU) giữ nguyên tắc không cho bệnh nhân ra viện tầng 3, phải xuống tầng 2, rồi tầng 1 mới cho ra viện. Nếu không tuân thủ quy trình này sẽ rất nguy hiểm. Hiện Bình Dương rất thuận lợi là có tòa nhà 6 tầng, mỗi tầng 12 phòng oxy, khí nén, đủ tiêu chuẩn làm ICU. Trước mắt tỉnh trưng dụng 80 phòng này để thành lập đơn vị ICU. Hiện nay, chúng tôi đang có 10 bác sĩ, chuyên gia, 5 điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng được cử vào để hỗ trợ hồi sức cấp cứu cho tỉnh”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.
Đồng ý với ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong rà soát các tầng điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề xuất tỉnh nhanh chóng hoàn thiện mua sắm trang thiết bị, phối hợp với Bộ Y tế thành lập Trung tâm ICU. Tỉnh cần thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vì một số nơi trong khu vực phong tỏa còn chưa thực hiện tốt.
Sáng tạo trong chiến lược vắc xin “đánh” vào “vùng đỏ”
Thông tin với đoàn, ông Võ Văn Minh cho hay chiến lược tiêm vắc xin của tỉnh sẽ tập trung tiêm cho người dân ở “vùng đỏ” sau khi đã thực hiện chiến lược quét F0. Tỉnh chủ trương bảo vệ “vùng xanh” phía bắc do đó người dân từ “vùng đỏ” qua “vùng xanh” phải thực hiện cách ly theo quy định.
Sau khi lắng nghe ý kiến các thành viên trong Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết Bộ Y tế hoàn toàn nhất trí với chiến lược phòng, chống dịch bệnh của Bình Dương. Chiến lược vắc xin của tỉnh tập trung đánh vào “vùng đỏ” trước, bộ cho rằng đây là cách làm rất sáng tạo và đánh giá cao chiến lược này. Cụthể, tỉnh sẽ tập trung tiêm vắc xin ở những “vùng đỏ” trong vòng 1 tuần và tổ chức những điểm tiêm nhỏ đi đến các ngõ phố để tiêm và không giới hạn số lượng người tiêm vắc xin trong ngày. Bộ Y tế sẽ điều động, hỗ trợ thêm nhân lực tiêm vắc xin cho tỉnh để chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay vấn đề Bộ Y tế quan tâm ở Bình Dương là công tác hồi sức tích cực. Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương cho tỉnh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, giao cho Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu làm Giám đốc trung tâm. Dự kiến Bộ Y tế sẽ thành lập 8 đơn vị hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Bình Dương sẽ thiết lập 1 trung tâm để giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bệnh nhân chuyển nặng.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi đã cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn được tốt hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định Bình Dương sẽ cùng với Bộ Y tế hoàn chỉnh Trung tâm ICU trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh đơn vị, địa phương nào thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ đình chỉ lãnh đạo đơn vị, Bí thư cấp ủy ở địa phương đó. Việc này cần phải làm ngay và làm nghiêm bởi có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chống dịch của tỉnh.
Về công tác huy động lực lượng điều phối lấy mẫu xét nghiệm, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo, huy động 20.000 người trong ngành giáo dục và lực lượng thanh niên để lấy mẫu, làm những công việc giúp ngành y tế. Do đó, các đơn vị cần nghiêm khắc rút kinh kiệm, kiểm tra lại công tác triển khai và báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy. Công tác tiêm vắc xin cần rút ngắn lại phân nửa thời gian, nên thực hiện trong vòng 7 ngày thay vì 15 ngày và phải phối hợp với các địa phương. Hiện tỉnh đã thành lập Trung tâm điều phối nhân lực do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, điều hành nên các hoạt động điều phối sắp tới sẽ khoa học, nhanh chóng hơn.
“Sở Y tế phải đẩy mạnh công tác huy động các lực lượng y, bác sĩ ngoài công lập, đội ngũ y, bác sĩ về hưu tham gia công tác điều trị. Đề nghị ngành y tế tiếp thu để triển khai ngay. Mục tiêu của chúng ta là làm sao dịch bệnh không lây lan, giảm ca F0 và chuẩn bị thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là giảm được tỷ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng”, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát Xưởng khởi nghiệp trường Đại học Quốc tế Miền Đông, thành phố mới Bình Dương là nơi dự kiến xây dựng Trung tâm ICU với quy mô 500 giường.
KIM HÀ