Bình Dương: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cập nhật: 14-08-2012 | 00:00:00

(BDO) Hạ lãi suất trần về 15%/năm, cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp… là những giải pháp cơ bản của các ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng sẽ thành lập Quỹ bảo lãnh cho DN để tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn vay.

Gỡ khó giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay

 Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về vốn để ổn định sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa).

Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 1.520 tỷ đồng nợ xấu, bằng 3,1% tổng dư nợ, tăng 9,95% so với cùng kỳ. Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng trên địa bàn đã huy động được 67.494 tỷ đồng, trong đó, huy động lãi suất dưới 9% là 49.967 tỷ đồng, tiến hành cho vay ưu tiên 4 lĩnh vực theo Thông tư số 14/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và xem xét giảm lãi suất cho DN.

Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn chung của các ngân hàng và DN gặp phải đó là tính rủi ro cao, đã khiến các ngân hàng phải cẩn trọng với các khoản vay trong tình hình hiện nay. Một số ngân hàng lo ngại các DN “đi vay đầu này trả nợ đầu kia” khiến tình hình khó khăn của DN lại càng thêm nặng nề hơn. Vì thế, việc cơ cấu lại khoản nợ của DN, xem xét giảm lãi suất là một trong những giải pháp có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay.

Còn theo báo cáo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, những khoản nợ xấu của DN đa phần rơi vào tình trạng DN không tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm ra thị trường để giải quyết lượng hàng tồn đọng. Trong khi đó, bộ phận DN gia công các sản phẩm, có thị trường truyền thống thì tình hình sản xuất đã có xu hướng ổn định trở lại. Riêng bộ phận DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết, tình trạng vốn chờ DN đang diễn ra, nguyên nhân là do nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn theo quy định, các ngân hàng thì không dám mạo hiểm trước những rủi ro phát sinh thêm nợ xấu có thể xảy ra với mình. Trong khi đó, một bộ phận DN đang gặp khó khăn trong kinh doanh, nhất là tìm thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, nhiều DN tuy có đủ điều kiện nhưng lại không có nhu cầu vay vốn.

Ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, do tình hình sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn nên tổng số thuế ảnh hưởng đến thu ngân sách dự kiến là hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó, các loại thuế chịu nhiều nhiều ảnh hưởng là thuế thu nhập DN đã giảm hơn 490 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 424 tỷ đồng. Ước tính. tổng số thuế ảnh hưởng đến giảm thu ngân sách trong năm 2012 là hơn 1.467 tỷ đồng. Trước những khó khăn của DN, theo Nghị quyết số 13/NQ-CP và  thực hiện việc gia hạn nộp thuế theo quy định tại Thông tư số 83/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cục thuế Bình Dương đã gia hạn thuế thu nhập DN hơn 204 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn thuế TNDN từ năm 2010 về trước là 140 tỷ 159 triệu đồng, gia hạn trong năm 2011 là 64 tỷ 411 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, Cục thuế tỉnh đã gia hạn nộp thuế TNDN cho 2.400 DN với số tiền 112 tỷ 562 triệu đồng.

Tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 13 của Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã yêu cầu, trong thời gian tới, các sở ngành liên quan cần tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; lãnh đạo các sở ngành cần có thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến của DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng lưu ý, các ngân hàng có vốn nhà nước cần gương mẫu và thực nghiêm các quyết định, thông tư đã đề ra trong việc quy định mức lãi suất cho vay theo quy định. Cố gắng đưa ra mức lãi suất thấp hơn để giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cần tăng cường kiểm tra lãi suất đầu ra tại các DN; xem xét khen thưởng cho những DN, ngân hàng chấp hành đúng với lãi suất quy định, nhất là việc làm tốt các chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ DN. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại nợ đối với các DN theo hướng giảm tải, nâng chất lượng tín dụng để vừa giữ được các khách hàng truyền thống, vừa mở rộng phát triển khách hàng tiềm năng nhằm góp phần tăng dư nợ tín dụng có chất lượng.

Minh Duy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=205
Quay lên trên