Bỏ thành, về tỉnh và… thành công

Cập nhật: 27-04-2013 | 00:00:00

Từ một ông chủ nhiều căn nhà trọ tại quận 12 (TP.HCM) với thu nhập hàng tháng cao ngất ngưởng, như một cơ duyên, ông Lê Hữu Đức Đạt đã chọn xã Khánh Bình (Tân Uyên, Bình Dương) làm “quê hương thứ hai” của mình. Tại đây, những mô hình sản xuất - kinh doanh của ông đã gặt hái được khá nhiều thành công. Nhiều năm liền ông được công nhận là hộ nông dân sản suất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Lập nghiệp trên đất mới

Là một người đam mê kinh doanh, tuy không được đào tạo qua bất cứ môi trường nào, nhưng ông Đạt đã có khá nhiều thành công với những mô hình làm ăn mà mình đặt ra. Vào khoảng cuối những năm 2000, ông có ý định mở rộng kinh doanh. Sau một thời gian tìm hiểu, ông quyết định chọn xã Khánh Bình để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Đầu tư vào sân bóng đá mini đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ông Đạt

Nghĩ là làm, năm 2001, gia đình ông bắt đầu chuyển về Bình Dương. Với số vốn khá lớn trong tay, ông mua lại diện tích cao su của người dân nơi đây. “Cứ ai bán gì là tôi mua, bán đất tôi mua đất, bán bò tôi mua bò. Cũng chưa biết thành công hay thất bại, nhưng do cái máu kinh doanh nên khi làm bất cứ việc gì tôi cũng phải mở rộng nhiều mô hình chứ không khép kín làm một thứ” - ông Đạt niềm nở chia sẻ. “Từ những buổi đầu tôi đã được bà con nông dân ở đây giúp đỡ rất nhiều. Chính vì vậy khi bắt tay vào làm cao su, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là tạo việc làm cho mọi người xung quanh. Những người có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc làm đều được tôi đào tạo và trả lương xứng đáng” - ông Đạt tâm sự thêm.

Mùa thu hoạch đầu tiên, lợi nhuận từ cây cao su mang về cho gia đình ông khá cao. Tuy cuộc sống gia đình khá giả hơn rất nhiều, nhưng không dừng lại ở đó. Tìm hiểu nhu cầu thị trường, thấy ngành dệt may đang phát triển khá thịnh nên không lâu sau đó ông bàn bạc với gia đình để mở một xưởng dệt, vừa là để mở rộng sản xuất, vừa tạo việc làm cho những người nông dân quanh xã. Mặc cho vợ và các con phản đối vì cho rằng ông quá mạo hiểm và vội vàng nhưng ông đã quyết định. Mô hình làm ăn khá mới nên ông cũng gặp phải không ít khó khăn. Số vốn ông đầu tư cho xưởng dệt cứ ngày một cạn dần, mà lợi nhuận thì chẳng được là bao. Sau một thời gian tìm hiểu nguyên nhân, ông quyết định thay đổi và mở rộng hơn nữa quy mô xưởng dệt của mình nhằm thu hút khách hàng. “Theo tôi làm ăn là phải có quy mô lớn và uy tín, khi đối tác nhìn vào họ mới tin tưởng và đầu tư. Chình vì vậy bằng mọi giá, tôi quyết định mở rộng mô hình và tìm thêm đối tác, coi như đây là cơ hội cuối cùng, được là được nhiều mà mất là mất trắng luôn” - ông Đạt nói.

Những thành công nhất định

Quyết định mang hết số vốn ra đầu tư là đương đầu với “tử thần”, hoặc thành công, hoặc mất trắng. Sau một thời gian ngồi trên “đống lửa”, cuối cùng ông Đạt cũng có thể nhẹ nhõm khi những đơn đặt hàng và đối tác làm ăn ngày một nhiều. Lợi nhuận mà xưởng dệt mang lại cho gia đình ông hàng tháng khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra thu nhập từ cao su cũng mang lại lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Vừa tạo việc làm cho người dân quanh vùng, vừa mang về cho gia đình nguồn thu nhập khá cao, ông Đạt nhiều năm liền được Hội Nông dân huyện Tân Uyên bầu chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Vào năm 2010, khi không còn đủ sức để quản lý, ông quyết định bán lại xưởng dệt và chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ. “Bán xưởng dệt là một quyết định khó khăn nhất đối với tôi, bởi có biết bao tâm huyết đổ vào. Nhưng vì điều kiện gia đình nên tôi quyết định bán lại xưởng dệt cho một người bạn”. Sau khi bán xưởng dệt, ông quyết định mang đầu tư vào xây dựng sân bóng mi ni và nhà trọ. Hiện tại, sân bóng của ông đã đi vào hoạt động được một năm và lợi nhuận mang về khá khả quan. Hàng tháng, ông thu lời khoảng 30 triệu đồng từ sân bóng, bên cạnh đó 62 căn nhà trọ của ông cũng mang về lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Năm 2012, ông được bầu chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Tuy tuổi đã cao, không còn cơ hội tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, nhưng khi nhắc đến tên ông thì mọi người quanh đây đều cảm mến trước tấm lòng của ông. Cái quý giá nhất mà ông Đạt đã làm cho họ đó là tạo cơ hội việc làm khá tốt vào thời điểm khó khăn trước đây. Giờ đây, hàng tháng ông vẫn tham gia vào một số hoạt động từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Kinh tế gia đình khá giả, 3 người con của ông hiện đang là sinh viên của 3 trường đại học khác nhau tại thành phố Hồ Chí Minh. “Tuy không còn cơ hội tạo dựng việc làm cho anh chị em như trước đây, nhưng khi họ cần học hỏi hoặc trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh và kỹ thuật trồng trọt thì tôi rất sẵn sàng”, ông Đạt vui vẻ nói.

YÊN ĐỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=248
Quay lên trên