Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần ở nhà ăn cơm lúc nào cũng có đầy đủ các thành viên trong gia đình gồm anh em, cha mẹ và ông bà nội tôi. Trong bữa ăn, mọi người thường trò chuyện thân mật với nhau. Ba tôi thì dạy anh em tôi từ những việc nhỏ nhất trong ăn uống, dạy chúng tôi phải biết “ăn coi nồi ngồi coi hướng”. Những lúc như thế bữa cơm gia đình thật sự trở thành dịp để mọi người quây quần bên nhau, tạo nên tình cảm thân thiết hơn bao giờ hết. Qua bữa cơm gia đình, ba tôi thường dạy anh em tôi phải biết nhường nhịn nhau, chia sẻ cho nhau những miếng ngon, đồng thời dạy chúng tôi phải biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Có lẽ chính nhờ tình cảm gia đình mà những bữa cơm của người Việt dù đạm bạc cũng trở nên ngon miệng và mang nhiều ý nghĩa như câu ca dao:“Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
Cứ mỗi buổi chiều về, mọi người lại chờ đợi được sum họp bên nhau để cùng nhau quây quần bên bữa cơm gia đình đầm ấm, chia sẻ cho nhau những miếng ngon, chia sẻ với nhau những câu chuyện của mỗi người trong ngày.
Ngày nay, do công nghiệp phát triển khiến cuộc sống của con người trở nên hối hả, bận rộn và bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên cũng ngày càng thưa dần. Nhất là cuộc sống tại các đô thị, việc cơm hàng cháo chợ đã trở nên quen thuộc và mọi người ít có dịp cùng quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình truyền thống. Từ đó, ngày càng có nhiều sự rạn nứt bên trong mỗi gia đình Việt, nhiều giá trị truyền thống của gia đình ngày càng phai nhạt. Điều đó đặt ra cho chúng ta câu hỏi có phải phần nào do sự thiếu vắng những bữa cơm gia đình khiến mối dây liên hệ tình cảm ngày càng lỏng lẻo, làm gia đình rạn nứt và dễ dẫn đến tan rã? Điều này tuy nhỏ nhưng quả thật đang khiến chúng ta phải suy nghĩ, nhất là lối sống tại các đô thị hiện đại.
ĐỨC LÊ