Đó là chủ đề của chương trình hoạt động ngoại khóa, do trường Trung Tiểu học Việt Anh tổ chức dành cho học sinh toàn trường. Với phương châm “Dạy lý thuyết gắn với thực hành thực tế”, các hoạt động của chương trình ngoại khóa không chỉ là sân chơi văn hóa - văn nghệ, mà còn giúp học sinh củng cố kiến thức, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Trong 2 ngày 18 và 19-3, khuôn viên nhà trường như một đại nhạc hội, bởi nhiều sân khấu nhỏ được dựng lên để phục vụ cho các hoạt động ngoại khóa. Đưa kịch nghệ thuật vào trường học, nhà trường mong muốn các em có những giây phút thư giãn sau những giờ học căng thẳng, bởi các tiết mục kịch do chính học sinh biểu diễn. Những tác phẩm văn học từ trong sách vở như: Vợ nhặt của tác giả Kim Lân; “Chí Phèo” của Nam Cao; hay những câu chuyện dân gian như: “Cuộc chia tay của những con búp bê”, “Ba chú heo con”... đã được các em đưa vào vở kịch. Các nhân vật trong trang sách giờ đây thật đáng yêu và gần gũi biết bao. Và các em đã lột tả được tích cách của nhân vật, thể hiện được những cung bậc cảm xúc khi hóa thân vào các nhân vật trong các tác phẩm. Em Trần Hải Đăng, học sinh lớp 10 chia sẻ: “Em tham gia một nhân vật trong vở kịch: “An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy”. Thông qua những vở kịch em và các bạn biểu diễn, giúp chúng em nắm chắc kiến thức đã học, yêu văn học. Đây còn là hình thức giải trí vui tươi, lành mạnh đối với các em”.
Một tiết mục kịch do học sinh biểu diễn
Cùng với những tiết mục kịch học sinh biểu diễn, các em còn được thưởng thức những tiết mục âm nhạc dân tộc, do nghệ sĩ Đinh Nhật Minh và nhóm nhạc dân tộc biểu diễn. Các em được nghe tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc... từ đó càng thêm yêu mến, tự hào về sự đa dạng của âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Đối với chương trình kịch rối, các em được thưởng thức các tiết mục kịch rối hấp dẫn và đáng yêu. Đây là cơ hội để các em tìm hiểu về nghệ thuật kịch rối thông qua 13 vở kịch rối, với các loại hình: Rối tay, rối bóng và rối que. Từ những vỡ diễn các em có thêm những trải nghiệm và những bài học thú vị. Cô Đinh Thị Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với việc làm “sống lại” các tác phẩm văn học, giúp các em khắc sâu được kiến thức, cảm thụ được tác phẩm một cách sâu sắc. Đây cũng là một hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn văn trong nhà trường.
ÁNH SÁNG