Chiều 13-9, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành và Tổ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị
Số bệnh nhân tăng nặng và tử vong giảm đáng kể
Đánh giá về công tác chống dịch của Bình Dương trong thời gian qua, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Becamex cho rằng, hiện nay hệ thống 3 tầng thu dung điều trị của tỉnh ngày càng hoàn thiện. Số bệnh nhân tăng nặng giảm đáng kể ở 3 tầng điều trị. Tỷ lệ tử vong giảm đáng kể. Trong những ngày qua, toàn tỉnh đã đóng cửa 12 khu cách ly và triển khai chuyên khoa hậu Covid-19 để giúp bệnh nhân phục hồi tốt nhất. Do đó, tỉnh cũng cần mạnh dạn xây dựng Trung tâm phục hồi Covid-19. Đặc biệt, mỗi địa phương cần chuẩn bị 4 - 5 khu cách ly để khi phát hiện F0 có yếu tố nguy cơ thì đưa vào. Những nơi xét nghiệm phát hiện 10% F0 thì coi là “vùng đậm đặc”, “vùng đỏ” cần khoanh vùng để tập trung chăm sóc y tế. Hiện tỉnh đã vượt qua đỉnh dịch và sẽ sớm vượt qua sườn dịch an toàn.
Cùng quan điểm với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Tiến sĩ Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bình Dương, cho biết hiện tỷ lệ tử vong trên địa bàn tỉnh thấp so với cả nước là 0,8%. Sau ngày 15-9, tỉnh nên cho hoạt động hàng quán bán mang về; trưng dụng sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bình Dương để lấp đầy phòng xét nghiệm khi lực lượng tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ; cung ứng test nhanh cho người dân tự test tại nhà; định kỳ làm xét nghiệm PCR cho cán bộ nhân viên, lực lượng chống dịch. Các địa phương nhanh chóng rà soát danh sách đối tượng từ 12 - 18 tuổi, sẵn sàng kế hoạch, dự trù vắc xin tiêm cho đối tượng này. Hiện bộ phận thường trực của Bộ Y tế phối hợp với TX.Tân Uyên thành lập trạm y tế lưu động cho khu công nghiệp, doanh nghiệp tại địa phương này dựa trên phần mềm chuyên dụng quản lý công nhân và dưới sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông.
Tỉnh xác định vắc xin là chiến lược lâu dài trong phòng, chống dịch bệnh thời gian tới. Trong ảnh: Người dân TX.Bến Cát tiêm vắc xin ngừa Covid-19 Ảnh: MINH DUY
Bàn về các giải pháp chống dịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian tới tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai chủ trương “lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch”. Tỉnh tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” với nguyên tắc chung: Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng mang tính quyết định; an sinh xã hội tại chỗ là biện pháp trọng yếu thường xuyên; xét nghiệm là biện pháp then chốt xác định nguồn lây; giảm tỷ lệ tử vong là ưu tiên hàng đầu; vắc xin là chiến lược lâu dài. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách: Xây dựng các trạm y tế lưu động; trả dần các cơ sở thu dung, điều trị đã trưng dụng của doanh nghiệp, trường học để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảng dạy, học tập.
Đề cập đến vắc xin, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, thông tin Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ 110.000 liều vắc xin cho tỉnh để đạt độ bao phủ 100% đối tượng tiêm. Hiện tỉnh cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, không yếu tố nguy cơ, không bệnh nền 7 ngày test nhanh kháng nguyên âm tính về cách ly tại nhà theo quy định.
Siết chặt kỷ cương chống dịch
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao, cho biết dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, tỉnh đã đạt nhiều thành quả trong chống dịch. Tới đây, sau ngày 15-9, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ “vùng xanh”, không lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.
Sau khi nghe các ý kiến trình bày của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Lợi ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, đoàn kết, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cán bộ, nhân dân các địa phương, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch, như: Y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm đã đóng góp tiền của, công sức, vượt qua khó khăn, không ngại gian khổ giúp Bình Dương đạt nhiều kết quả trong phòng, chống dịch bệnh. Kết quả này là nền tảng, tạo đà để Bình Dương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian tới để tiếp tục thực hiện chiến lược bảo vệ sức khỏe người dân, ngành y tế phải là lực lượng trọng tâm, cốt yếu giúp người dân tiếp cận ngay các dịch vụ y tế. Do đó, ngành y tế phải tổ chức xây dựng hệ thống nhân lực y tế bài bản hơn, chất lượng hơn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, đặc biệt trong hệ thống 3 tầng điều trị. Khi các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ, ngành y tế phải tổ chức nhân lực điều phối khoa học. Y tế là trọng tâm, các lực lượng khác là vệ tinh.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, công việc chống dịch muốn thành công phải thống nhất giữa ý chí và hành động. Sắp tới, sau khi tỉnh tiếp tục nới lỏng giãn cách, địa phương, đơn vị nào để dịch bùng phát trở lại thì bí thư, chủ tịch địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu phải quán xuyến công việc, không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong chống dịch trên cơ chế Chủ tịch UBND điều hành chống dịch, tập thể thường trực cho chủ trương. “Tôi mong rằng với kinh nghiệm chống dịch trong đợt dịch qua, sự giúp sức của Bộ Y tế và các lực lượng, đơn vị hỗ trợ, Bình Dương sẽ tiếp tục giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong công tác chống dịch cũng như trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Lợi phát biểu.
HOÀNG LINH