Bộ Y tế liên tục đốc thúc các địa phương đẩy nhanh công tác tiêm chủng.
Thời gian gần đây các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam liên tục gia tăng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ và khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Người dân cần mang khẩu trang
Biến thể BA.4, BA.5 đang trở thành biến thể phụ vượt trội ở một số nước gây ra làn sóng ca mắc mới tăng vọt. Tại Việt Nam, ca COVID-19 mới cũng liên tục tăng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 20/7 số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng so với những ngày trước đó với số mắc là 1.161 ca - cao nhất trong 47 ngày qua.
Cụ thể, ngày 16/7 ghi nhận 705 ca, ngày 17/7 là 745 và 18/7 là 840 ca, ngày 19/7 lên đến 1.085 ca; tiếp đó ngày 20/7 ca mắc tăng lên 1.161 ca, ngày 20/7 có 1.088 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.763.694 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.584 ca nhiễm).
Đến nay tổng số ca COVID-19 đã khỏi là 9.832.646 ca. Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 49 trường hợp đang thở ôxy là 49 ca. Trong đó: Thở ôxy qua mặt nạ: 39 ca; thở ôxy dòng cao HFNC: 4 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 5 ca.
Theo đại diện Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.4 và BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khuyến cáo người dân mang khẩu trang trở lại.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác đồng thời đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.
Các địa phương và các bộ ngành có liên quan tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ và khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản
Tại Việt Nam, từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận tại Việt Nam. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay trên thế giới đã có thống kê rõ ràng về những nguy cơ với biến thể mới này. Cụ thể, ở biến thể mới, tốc độ lây nhiễm cao hơn hẳn so với biến thể cũ, tuy nhiên tỷ lệ diễn biến nặng có cao hơn biến thể thì cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào ghi nhận.
“Tình hình thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ tiếp nhận những bệnh nhân có diễn biến rất nặng hoặc trên nền bệnh lý phức tạp do các bệnh viện từ tuyến dưới chuyển lên, trong thời gian qua chưa ghi nhận các bất thường nào về số bệnh nhân nặng hay hoặc có diễn biến phức tạp,” bác sỹ Cấp nhấn mạnh.
Trước sự gia tăng của các ca bệnh và sự xuất hiện của các biến thể phụ, Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.
Các địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Đặc biệt, người dân cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...
“Hiệu quả của việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và mũi 5 trên thế giới có nhiều ý kiến băn khoăn ghi nhận khác nhau, chúng tôi thấy thực tế tiêm vaccine vấn đề sau tiêm nhẹ nhàng hơn, còn những người tiêm, nhiều trường hợp ghi nhận lâm sàng trầm trọng như sốt cao, đau đầu. Chúng tôi nghĩ về việc ích lợi và nguy cơ thì việc ích lợi nhiều hơn so với việc không may chúng ta nhiễm bệnh,” bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Tính đến ngày 20/7, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam là 240.469.740 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 210.198.033 liều: Mũi 1 là 71.302.650 liều; mũi 2 là 68.837.989 liều; mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.512.382 liều; mũi bổ sung là 14.048.449 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 47.247.408 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 7.249.155 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 19.681.156 liều: Mũi 1 là 9.024.828 liều; mũi 2 là 8.685.313 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 1.971.015 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 10.590.551 liều: Mũi 1 là 7.232.625 liều; mũi 2 là 3.357.926 liều./.
Theo TTXVN