(BDO) Sau hơn nửa tháng tổ chức giám sát, làm việc với nhiều địa phương trong tỉnh về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương (Trưởng đoàn giám sát) về kết quả thực hiện giám sát, bảo đảm các gói chính sách được chi đúng, không bỏ sót đối tượng và không gây thất thoát ngân sách.
Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng cùng các thành viên trong đoàn giám sát thăm hỏi, trao đổi với gia đình anh Trần Văn Khái, công nhân Công ty KuyngBang (huyện Bàu Bàng) về các gói hỗ trợ
- Thưa bà, qua những ngày tổ chức giám sát tại nhiều xã, phường trong tỉnh về thực hiện các gói hỗ trợ chính sách trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, bà đánh giá thế nào về kết quả triển khai thực hiện tại các địa phương.
- Năm 2022, HĐND tỉnh chọn một chuyên đề giám sát, qua đó đã chọn việc giám sát các gói hỗ trợ chính sách sau đại dịch. Đây là chuyên đề rất ý nghĩa, vừa rà soát lại việc chi ngân sách, vừa bảo đảm công bằng cho các đối tượng được thụ hưởng các gói chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, đoàn đã tổ chức giám sát tại nhiều địa phương ở tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Chúng tôi nhận thấy, mỗi địa phương có mỗi đặc thù khác nhau, do đó kết quả thực hiện các gói chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung chúng tôi đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các địa phương về thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid nói chung, cũng như việc thực hiện các gói chính sách hỗ trợ từ Trung ương ban hành cho tới các gói chính sách đặc thù do HĐND và UBND tỉnh Bình Dương ban hành. Qua đó, góp phần bảo đảm đời sống, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là những giai đoạn cao điểm mà tỉnh tập trung cho công tác giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Mỗi địa bàn có đặc điểm riêng, như TP.Thuận An, TP.Dĩ An người dân rất đông, địa bàn hẹp; trong khi các huyện phía Bắc có dân số ít nhưng địa bàn rộng nên có những thuận lợi khó khăn riêng trong việc thực hiện các gói chính sách, cũng như phòng chống dịch bệnh. Về phía người dân và doanh nghiệp, nhìn chung ai cũng hồ hởi, đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền tỉnh và cơ sở trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như việc giải quyết các chế độ hỗ trợ cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm tính kịp thời, giúp người dân yên tâm, ở yên một chỗ trong những ngày dịch bệnh hoành hành.
- Trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, các địa phương có gặp những vướng mắc nào cần giải quyết không, thưa bà?
- Còn nhiều vấn đề vướng mắc đặt ra cần giải quyết. Chẳng hạn như là việc giải quyết chế độ mai táng phí cho những trường hợp tử vong do Covid-19, do có thay đổi trong việc xác định tử vong do Covid. Trước đây, chúng ta chỉ xác định có kết quả PCR thì trường hợp tử vong mới được ghi nhận để hỗ trợ, còn sau này khi dịch căng thẳng hơn thì chỉ cần test nhanh là đủ điều kiện xác định tử vong do Covid. Tuy nhiên, khi địa phương thực hiện giải quyết chế độ mai táng phí cho người tử vong do Covid-19 thì phải có kết quả giám định PCR mới được hưởng chế độ, do đó có sự không đồng nhất trong việc giải quyết chế độ mai táng phí này.
Hoặc những trường hợp như giải quyết hỗ trợ cho trẻ em, hỗ trợ cho người khuyết tật, người có công do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đâu đó vẫn còn những địa phương chưa thực hiện tốt việc này.
Hoặc là việc hỗ trợ miễn giảm thuế cho những hộ kinh doanh cá thể do ảnh hưởng dịch bệnh, hiện nay tỉnh chưa ban hành được các danh mục kinh doanh trên các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, do đó cơ quan thuế chưa có cơ sở để tính miễn giảm thuế cho các cá thể. Hay một số huyện như Dầu Tiếng, Bàu Bàng, chúng tôi nhận thấy có một số lượng người lao động là dân nhập cư trước đây từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia) về sinh sống tại địa phương, họ không có giấy tờ tùy thân, không biết tiếng Việt nhưng vẫn được địa phương linh động giải quyết, giúp họ vượt qua khó khăn trong những ngày dịch bệnh. Đây là việc làm rất khó khăn, đòi hỏi có nhiều nỗ lực trong việc tìm ra cách giải quyết hợp pháp.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh tiếp tục có các buổi làm việc với các sở, ngành và UBND tỉnh để từ đó sẽ có kết luận của đoàn giám sát một cách cụ thể và rõ ràng, đánh giá được kết quả đạt được cũng như những vấn đề hạn chế, vướng mắc và khó khăn. Từ đó, đoàn giám sát sẽ có báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh, để HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2022.
- Trong những buổi làm việc tại các xã, phường, không ít lần báo cáo thể hiện số người được nhận hỗ trợ vượt xa so với số dân tạm trú. Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chất vấn các địa phương về vấn đề này, cũng như nhiều lần nhắc nhở địa phương rà soát lại dân số tại địa phương mình. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đó cũng là hạn chế chung khi triển khai các gói hỗ trợ tại các địa phương. Tuy nhiên, có nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế này, đó là số lượng người dân nhập cư sinh sống và lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất lớn. Cho nên, khi chúng ta thống kê để chi hỗ trợ lại ra một số lượng khác, đó là những người không khai báo tạm trú nên không thống kê hết số lao động nhập cư, do đó có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các gói hỗ trợ trong đại dịch. Tại các buổi làm việc với các địa phương, đoàn giám sát bao giờ cũng lưu ý, đề nghị các địa phương phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý địa bàn, để làm sao một cách nhanh chóng nhất, đầy đủ nhất, nắm chắc được số nhân hộ khẩu trên địa bàn. Việc đó chỉ có một cách tốt nhất là thông qua những “cánh tay nối dài” là lực lượng anh em làm việc tại khu phố, tổ nhân dân tự quản, tổ Covid cộng đồng...thì mới nắm được số dân một cách chính xác đang sống trên địa bàn. Từ đó giải quyết một cách đầy đủ, đúng đối tượng các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid trên địa bàn tỉnh.
Không dừng lại ở đó, việc quản lý tốt dân cư sẽ giúp cho tỉnh rất nhiều trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Quang Tám (thực hiện)