Các quy định về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp sửa đổi

Cập nhật: 08-01-2014 | 00:00:00

Hiến pháp (HP) sửa đổi HP năm 1992 đã được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013. Trong HP sửa đổi có Chương VIII - Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân. Những nội dung mới và định hướng sửa đổi Luật Tổ chức TAND được thể hiện cụ thể như sau:

Quyền tư pháp

Khoản 1 Điều 102 HP sửa đổi quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. HP năm 1992 chỉ quy định TAND chỉ là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam. Nội dung mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm phân định quyền lực nhà nước theo hướng TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Đây là định hướng nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN.

Ảnh minh họa

Nội dung mới nêu trên về TAND là cơ sở pháp lý để giao cho TAND có thẩm quyền giải quyết những loại vụ việc liên quan đến việc hạn chế quyền nhân thân của công dân, mà những loại việc đó hiện nay là các cơ quan hành chính đang thực hiện, ví dụ như việc ra các quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc quyết định đưa người vào các trung tâm giáo dưỡng, cai nghiện…

Không phụ thuộc địa giới hành chính

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã xác định tổ chức hệ thống TA theo cấp xét xử không phụ thuộc vào địa giới hành chính. HP sửa đổi đã thể chế quan điểm này về tổ chức TAND, cụ thể là: Khoản 2 Điều 102 HP sửa đổi quy định “TAND gồm TAND tối cao và các TA khác do luật định”.

Như vậy, theo quy định này của HP thì hệ thống TA được tổ chức theo cấp xét xử không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Do đó, Luật Tổ chức TAND sẽ được sửa đổi theo hướng quy định về tổ chức TA theo 4 cấp, cụ thể là: (1) TAND sơ thẩm (ST) khu vực là cấp xét xử ST hầu hết các loại vụ án (VA) thuộc thẩm quyền của TAND. (2) TAND cấp tỉnh là cấp xét xử phúc thẩm (PT) là chủ yếu, xét xử ST một số loại VA thuộc các trường hợp mà TAND ST khu vực không có thẩm quyền xét xử ST. (3) TAND cấp cao là cấp xét xử PT và có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm (GĐT) hoặc tái thẩm (TT). (4) TAND tối cao là cấp xét xử GĐT, TT cao nhất và chủ yếu là tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Tổ chức TA theo 4 cấp nêu trên thì chỉ có TAND cấp tỉnh là gắn với địa giới hành chính cấp tỉnh, còn TAND ST khu vực, TAND cấp cao không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo đó, đây cũng là những yếu tố để bảo đảm cho tính khả thi của nguyên tắc TA xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Không có giới hạn trong xét xử

Về các nguyên tắc hoạt động của TAND, HP sửa đổi có một số nội dung quy định mới, nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xét xử của TAND các cấp. Cụ thể là: Đối với nguyên tắc TA xét xử độc lập, HP năm 1992 quy định “Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. HP sửa đổi quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Với quy định này của HP sửa đổi thì nguyên tắc độc lập xét xử có nội dung mới là: Tiến trình Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý VA cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử” như quy định của HP năm 1992.

Cụm từ “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” trong công tác xét xử và cũng là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Đối với nguyên tắc xét xử tập thể, HP sửa đổi quy định: “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Cụm từ “trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” là nội dung mới của nguyên tắc này. Còn thủ tục rút gọn được quy định trong pháp luật tố tụng theo hướng những vụ việc đơn giản, rõ ràng thì chỉ cần một Thẩm phán xem xét giải quyết chứ không cần Hội đồng xét xử như hiện nay, nhằm những vụ việc đó được giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật và đạt hiệu quả, tiết kiệm về thời gian cho những người tham gia tố tụng.

Án hiệu lực phải được thi hành

HP sửa đổi bổ sung nguyên tắc mới là “Chế độ xét xử ST, PT được bảo đảm”. Nguyên tắc này, HP năm 1992 chưa có, nhưng được thể hiện trong Luật Tổ chức TAND với nội dung: “TA thực hiện chế độ hai cấp xét xử”. Về bản chất thì cách thể hiện của nguyên tắc nêu trên của HP sửa đổi có kế thừa, song có bao hàm những nội dung mới đó là khẳng định hai cấp xét xử là cấp ST và cấp PT. Hoạt động GĐT, TT của TA không phải là cấp xét xử. Có như vậy thì những vụ việc được TA giải quyết xét xử đã có hiệu lực pháp luật (đã qua giải quyết xét xử ở cấp PT) phải được thi hành, tránh khiếu nại kéo dài.

NGUYÊN PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=354
Quay lên trên