Mùa thu đã trở thành đề tài muôn thuở trong thi ca, âm nhạc và nghệ thuật. Cùng lắng nghe lại những ca khúc mùa thu bất hủ, chúng tôi càng thấm thía những dòng cảm xúc từ quá khứ đầy hào hùng của quân và dân ta, cho đến những cung bậc yêu thương lãng mạn của các nhạc sĩ dành cho cuộc đời.
Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, có lẽ mùa thu năm 1945 là một mùa thu đáng tự hào nhất. Bởi sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945) đã in sâu trong tiềm thức nhiều người dân ở thủ đô nói riêng và khắp cả nước nói chung. Gắn liền với sự kiện lịch sử này, ca khúc 19 tháng 8 của cố nhạc sĩ Xuân Oanh vẫn vẹn nguyên sức sống, sức lan tỏa trong lòng người dù đã đi qua 72 mùa thu. Bài hát ra đời khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh. Khi ấy, ông vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc. “Mười chín tháng tám/ Ánh sao tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn…”.
Cùng hướng về những ngày mùa thu lịch sử này, người dân Việt Nam còn đặc biệt tự hào với những giai điệu hành khúc của bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ca khúc được viết trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. 72 năm về trước, vào ngày 19-8-1945, bản hành khúc Tiến quân ca của Văn Cao đã vang lên trên khắp mọi ngả đường của thủ đô. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (năm 1975), ca khúc này tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Phường Phú Cường với tiết mục tốp ca “Mười chín tháng tám” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng TP.Thủ Dầu Một
Bên cạnh những cảm xúc tự hào, mùa thu còn mang đến con người những cảm xúc lãng mạng bởi những thay đổi của cỏ cây, hoa lá, đất trời. Riêng thu ở Hà Nội thì đẹp đến nao lòng khiến cho nhiều nhạc sĩ đã sáng tác nên nhiều ca khúc bất hủ. Đáng kể như Nhớ mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Có phải em mùa thu Hà Nội của Trần Quang Lộc, Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh…
Mùa thu đến rất nhẹ nhàng như từng nhịp thở, chạm vào những con tim đang yêu làm ngất ngây bao tâm hồn người yêu nhạc. Tình yêu hay mùa thu thay áo cho nhau. Thu không buồn mà tình yêu thêm khởi sắc là những ca từ lãng mạn trong bài Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên. “Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ/ Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…”. Còn với nhạc sĩ Phú Quang, thu đẹp nhưng buồn, nên Đâu phải bởi mùa thu của ông chất ngất những giai điệu sầu muộn và những câu hỏi giằng xé con tim. “Em ru gì lời ru cho anh? Một đời đam mê - một đời giông tố? Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha? Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng ... Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt lá trút rơi nhiều... đâu phải bởi mùa thu!”. Cùng mang âm hưởng buồn như Đâu phải bởi mùa thu của Phú Quang còn có các ca khúc: Buồn tàn thu của Văn Cao, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong, Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn…
Cùng cảm nhận mùa thu theo nhiều cung bậc cảm xúc để thấy rằng, chỉ riêng mùa thu thôi đã rất muôn màu muôn vẻ. Nếu ta nhìn cuộc đời bằng niềm lạc quan yêu đời, sống và hành động đẹp, thì sẽ thấy những mùa thu trôi qua trong đời rất nhẹ nhàng và ý nghĩa.
THỤC VĂN