Cần gìn giữ một loại hình nghệ thuật dân gian

Cập nhật: 01-08-2019 | 00:42:43

Múa bóng rỗi hay còn được gọi là múa bóng là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ dân gian độc đáo, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền, miếu Nam bộ. Gần đây, loại hình nghệ thuật này ở Bình Dương đang được phục dựng. Tuy nhiên cần lắm những động thái tích cực của các ngành, các cấp để gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.


Nghệ nhân Cẩm Nhung chuẩn bị đạo cụ múa bóng rỗi trong lễ Cầu Bông Vía Bà Chúa Xứ tại đình Tân Thới

Có dịp xem múa bóng rỗi ở TX.Thuận An vào dịp lễ Cầu Bông Vía Bà Chúa Xứ vừa qua, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Sau những hồi trống chầu mời rỗi cúng Bà, nghệ nhân bắt đầu những màn biểu diễn múa mâm vàng, mâm bông, múa dù… rất điệu nghệ. Nghệ nhân dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyển mâm trên vai, trên lưng. Hình tượng múa mang tính thần kỳ, còn nghệ thuật gần với xiếc tạp kỹ. Khi một người múa dâng mâm thì có người khác chơi nhạc, thường là đàn cò, ghita phím lõm, trống nên không khí vừa trang nghiêm vừa sôi động.

Sinh ra trong gia đình có nhiều đời theo nghề múa bóng rỗi, nghệ nhân Nguyễn Thị Giàu (phường Tân Định, TX.Bến Cát), cho biết bà học nghề này ở mẹ và bà ngoại từ lúc lên 7 tuổi. Với thâm niên hơn 50 năm làm nghề, bà Giàu đã biểu diễn tại rất nhiều lễ cúng miếu, cúng đình trong và ngoài tỉnh. Và lịch biểu diễn nhiều nhất là từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch. Sau tháng tư, bà đi biểu diễn trong các lễ cúng tại nhà gia chủ. Yêu mến tài nghệ của bà Giàu, bạn bè trong giới đặt cho bà nghệ danh là Phụng Triều.

Theo bà Giàu học và làm nghề từ lúc 13 tuổi, chị Nguyễn Ngọc Dung (nghệ danh là Mỹ Duyên, (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát), cho biết có nhiều lúc trong người thấy mệt mỏi nhưng nghe có người mời đi múa bóng rỗi là hai cô trò đi liền. Càng làm nghề nên bà càng yêu quý và tự hào với loại hình nghệ thuật dân gian này. Ý thức được sự dần mai một của nghề nên bà Giàu rất nhiệt tình chỉ dạy và truyền nghề cho chị Dung.

“Trước đây, múa bóng rỗi bị đánh đồng với các hủ tục đồng bóng, như: Bóng cốt, bóng xá… nên bị ngăn cấm. Về sau, múa bóng được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phân tích và chỉ ra, đây là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc cần được trân trọng, gìn giữ. Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Người tham gia múa bóng bằng những động tác tạo hình, biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh”, bà Giàu cho biết. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (Chi hội Văn nghệ dân gian tại Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dòng thời gian cứ trôi và các thế hệ nghệ nhân lần lượt già yếu hoặc mất đi. Nếu không có giải pháp tích cực và kịp thời thì đến lúc nào đó, loại hình nghệ thuật độc đáo này sẽ không còn hiện diện trong đời sống.

Thiết nghĩ, múa bóng rỗi là một loại hình dân gian độc đáo cần được bảo tồn, lưu giữ. Thế nhưng nghệ nhân của loại hình này cho đến nay còn rất hiếm, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nên chăng, cần tổ chức truyền dạy, đào tạo các thế hệ kế thừa...

 THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=779
Quay lên trên