Ghi nhận của chúng tôi tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh mấy ngày qua là số bệnh nhi nhập viện do sởi tăng. Phụ huynh cũng hoang mang, lo lắng trước thông tin cả nước có 108 trẻ em tử vong do biến chứng vì bệnh sởi trong khi con số Bộ Y tế đưa ra chỉ 1/4 số này…
Tiêm phòng sởi cho trẻ 9 tháng tuổi tại BVĐK tỉnh Ảnh: QUỲNH NHƯ
Trả lời chúng tôi về tình hình bệnh sởi hiện nay, sáng 16-4, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, cho biết hiện có hơn 30 trẻ đang điều trị nội trú tại bệnh viện do mắc bệnh sởi. Số bệnh nhi đến khám tại phòng khám cũng như bệnh nhi đang điều trị nội trú tăng gấp đôi so với tuần trước. Trước tình hình bệnh nhi tăng, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên của khoa cũng làm việc căng thẳng hơn so với trước, hầu hết làm tăng ca, quá giờ để phục vụ bệnh nhân được chu đáo hơn. Lãnh đạo BVĐK tỉnh cũng cho biết bệnh viện đang tập trung nhiều nguồn lực để đối phó với các bệnh truyền nhiễm cũng như tổ chức tiêm ngừa sởi cho trẻ đủ 9 tháng tuổi tại phòng khám ngoại trú khoa Nhi.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết cũng đã triển khai tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi trong toàn tỉnh. Theo đó, trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sởi theo lịch tiêm chủng được tiêm vắc-xin sởi trong thời gian từ 15-3 đến tháng 4-2014. Mục tiêu đề ra là bảo đảm chất lượng và an toàn tiêm chủng theo Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21-8-2013 của Bộ Y tế. Đợt này dự trù 16.800 liều vắc-xin được tiêm vét phòng chống bệnh sởi.
Theo bác sĩ Minh Nguyệt, đáng lo nhất là những bệnh nhi mắc bệnh sởi biến chứng sang viêm phổi và tiêu chảy đang điều trị tại khoa. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Thế nên, đây cũng là giai đoạn cần có những thông tin truyền thông chính xác, cụ thể để người dân hiểu rõ từ đó có cách phòng ngừa đúng đắn. Với bệnh sởi thể nhẹ, có thể điều trị ngoại trú và các trung tâm y tế tuyến huyện, thị, thành phố vẫn xử lý được. Khi trẻ bắt đầu phát ban, có dấu hiệu sốt cao không hạ hay tiêu chảy nhất định phải đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Phụ huynh nên chú ý các dấu hiệu thường gặp của bệnh sởi như: có sốt (đầu tiên: sẽ có các triệu chứng sốt nhẹ sau sốt cao), phát ban (xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ). Ban sẽ mất đi theo trình tự đầu, cổ, chân tay, để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da loang lỗ như da cọp nên được gọi là “vết vằn da hổ”. Ngoài dấu hiệu sốt, phát ban có kèm theo các dấu hiệu sau: ho, hắt hơi, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.
Biến chứng bệnh là do sau khi mắc bệnh sởi, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Cẩn trọng với biến chứng tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, viêm kết mạc, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có HIV/AIDS… Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi có thể gây ra sẩy thai, đẻ non. Trong các biến chứng của bệnh sởi, biến chứng thần kinh là nguy hiểm nhất dễ gây tử vong. Với những biến chứng nguy hiểm từ bệnh sởi nên việc giấu bệnh, không báo cáo đúng thực trạng là điều hoàn toàn không nên. Đó là ý kiến chung của lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện cũng như bác sĩ trực tiếp điều trị.
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết ngày 18-4, sở sẽ họp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trong đó có dịch sởi. Tinh thần chung của Sở Y tế cũng như lãnh đạo các bệnh viện trong tỉnh là công khai tình hình dịch bệnh cho mọi người biết để kịp thời đề phòng, tránh gây hoang mang trong dư luận về dịch bệnh.
QUỲNH NHƯ