Cần tuyên truyền về xác lập tài sản của vợ, chồng

Cập nhật: 21-09-2019 | 05:38:45

 Ngày 20-9, báo Bình Dương có bài viết “Thỏa thuận xác lập tài sản trước hôn nhân: Cơ sở để hạn chế tranh chấp, khiếu kiện”. Sau đây xin giới thiệu ý kiến của bà Nguyễn Thị Phương Ngọc, Chủ tịch Hội Công chứng tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 1 (TP.Thủ Dầu Một) về vấn đề này.

 Bà Nguyễn Thị Phương Ngọc, Chủ tịch Hội Công chứng tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 1 (TP.Thủ Dầu Một)

 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 7 và chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2015, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có bước phát triển mang tính đột phá như quy định lại về độ tuổi kết hôn, cho phép thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo... và đặc biệt là quy định thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng. Đây là quy định mới tiến bộ, đã cơ bản giải quyết được các hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn giao dịch dân sự của vợ chồng của Luật Hôn nhân và Gia đình trước đây, bảo đảm sự hài hòa, đa dạng trong việc xác định quyền sở hữu và xác lập các giao dịch phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, từng cá nhân; phù hợp với các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự 2015 và pháp luật của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 quy định tất cả các giao dịch liên quan đến bất động sản đều đặt ra vấn đề thẩm quyền địa hạt, ngoại trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản và văn bản ủy quyền. Với việc thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được xác lập trước khi đăng ký kết hôn, tài sản của vợ chồng có thể chưa được hình thành (bất động sản hay động sản) nên công chứng viên khó khăn trong việc xác định thẩm quyền thực hiện công chứng.

Công chứng viên phải nhận diện được những thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có bị vô hiệu do không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch, vi phạm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hoặc nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình để từ chối thực hiện công chứng. Hiểu được những nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản theo từng trường hợp cụ thể để tiến hành soạn thảo văn bản công chứng. Xem xét thỏa thuận nào phù hợp với quy định để thực hiện, thỏa thuận nào chưa phù hợp để giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng.

Pháp luật chưa có quy định về việc đăng ký hay ghi nhận thông tin về việc vợ chồng đã thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trên các giấy tờ hộ tịch và phương thức để công chứng viên có thể kiểm tra tính xác thực của việc có hay không có thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng nên rất có khả năng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng cũng như công chứng viên khi thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch có liên quan.

Hoạt động công chứng mang tính phòng ngừa cao nên đòi hỏi pháp luật cần có các quy định cụ thể và rõ ràng hơn liên quan đến thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng nhằm giúp công chứng viên dễ dàng trong việc xác định đúng, chính xác chủ thể, đối tượng tham gia hợp đồng, giao dịch đồng thời cũng giúp giảm áp lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền hoặc tại Tòa án Nhân dân các cấp.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 mới chỉ quy định về sửa đổi, bổ sung thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng; thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu do vi phạm các quy định của pháp luật hay hậu quả pháp lý của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng khi chấm dứt quan hệ hôn nhân mà chưa có quy định về thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng (trong thời kỳ hôn nhân) do vậy cần bổ sung quy định về chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng để giải quyết nhu cầu tự nguyện hoặc thỏa thuận để bảo đảm các quyền kiểm soát (định đoạt) các giao dịch hoặc để giải quyết hủy bỏ thỏa thuận trong trường hợp hôn nhân không thành.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về chế độ tài sản của vợ chồng còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật hôn nhân gia đình và chế độ tài sản của vợ chồng nói riêng để người dân nhận thức, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng như xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch, quy định về phương thức để công chứng viên kiểm tra có tồn tại thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng... để phù hợp với tình hình thực tiễn.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=696
Quay lên trên