Thời gian gần đây, những vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, gây ra nhiều vụ tử vong thương tâm và không ít nạn nhân mang tật suốt đời. Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, nguy cơ gia tăng số người cấp cứu vì rượu lại thêm những cảnh báo.
Suýt tử vong vì rượu
Bệnh nhân Nguyễn Thành, 25 tuổi (huyện Thường Tín, Hà Nội) vừa được người nhà đưa vào Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Nguyên nhân do tối trước đó, anh Thành đi hát karaoke với bạn và uống rất nhiều rượu. Được bạn đưa về khi đã say, nên người nhà đưa vào giường ngủ. Đến trưa ngày hôm sau, thấy anh ngủ li bì một cách bất thường, người nhà mới đưa đến BV đa khoa Thường Tín cấp cứu và được chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai).
Không chỉ nam giới, mới đây, một nữ sinh tại Hà Nội cũng phải cấp cứu tại Trung tâm Chống độc vì ngộ độc rượu ngâm hoa Anh túc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vật vã, nôn liên tục. Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với ma túy do uống rượu ngâm hoa Anh túc. Theo các bác sĩ, nếu không may bị ngộ độc cấp rượu ngâm loài hoa này, nguy cơ tử vong tăng gấp đôi, vì bệnh nhân vừa ngộ độc rượu vừa có chất ma túy.
PGS.TS Bế Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, tại Trung tâm, tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu nặng không hiếm, chủ yếu trong tình trạng hôn mê với các biến chứng khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, thậm chí hôn mê sâu và dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu là sinh viên tăng so với trước. Đối tượng này thường nhập viện những dịp trước và sau các kỳ nghỉ, dịp lễ, Tết, hoặc sau lễ tốt nghiệp.
Tỷ lệ ngộ độc cao trong dịp Tết
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, năm 2012, trong số 33 người tử vong do ngộ độc thực phẩm thì tử vong do ngộ độc rượu chiếm 26%. Các chuyên gia y tế cảnh báo, vào dịp cuối năm và sau Tết Nguyên đán, số ca ngộ độc rượu vào điều trị tại các bệnh viện thường chiếm trên 30% tổng số bệnh nhân ngộ độc. Ngộ độc rượu cấp cứu chủ yếu trong độ tuổi lao động (20 - 50 tuổi).
PGS.TS Thu cho biết, uống nhiều rượu trong lúc đói, nhất là những loại rượu có chứa cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ngộ độc cấp tính. Sau khi uống, 20% lượng rượu được hấp thụ ngay tại dạ dày và 80% còn lại được hấp thụ ở ruột. Sau khi uống vài phút, rượu đi vào máu và sau vài giờ, nồng độ cồn trong máu sẽ lên đến cực đại. Nguyên nhân ngộ độc thường do uống rượu quá mức chấp nhận của cơ thể hoặc uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây...), động vật (mật, phủ tạng...) có chất độc.
Các bác sỹ khuyến cáo, khi xuất hiện những dấu hiệu của say rượu, người nhà cần tìm cách để người uống nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má; Nên cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), tư thế nằm sấp, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn cháo hoặc uống sữa. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đi cấp cứu ngay để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra..
Theo KTĐT