Dịch sởi đã xuất hiện và có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, do dễ lây lan, nếu không cảnh giác sẽ có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Bệnh sởi rất dễ lây lan thành dịch.
Nguy cơ bùng dịch
Hiện tại, một số địa phương đã xuất hiện ca bệnh, ổ dịch sởi. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang là “điểm nóng” của dịch sởi khi đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 28/7, Thành phố đã có có 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được báo cáo (tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 481 ca dương tính với sởi. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả Thành phố chỉ có 1 ca mắc sởi.
Trong số các bệnh nhân mắc sởi, có tới 60% chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi, Sở Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh và khống chế số ca biến chứng nặng, tử vong.
Trong tháng 7/2024, tại một số địa phương cũng ghi nhận ca bệnh sởi. Đơn cử, như tại Đắk Lắk đã ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi tại huyện Cư Kuin; ngành Y tế tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế ổ dịch, không để bệnh lây lan. Tại Kiên Giang cũng bắt đầu ghi nhận các ca mắc sởi từ tháng 4/2024 đến nay; đến giữa tháng 7/2024, tỉnh đã ghi nhận gần 130 ca mắc…
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Gần đây, nhiều dịch bệnh gia tăng đều là những bệnh đã có vaccine; trong đó có bệnh sởi. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh là do tình trạng thiếu vaccine trong một thời gian, nhiều trẻ bị gián đoạn tiêm chủng, tiêm không đủ mũi… tạo nên lỗ hổng trong hàng rào miễn dịch.
Theo các chuyên gia, virus sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được tiêm chủng hoặc những trẻ chưa tiêm đủ mũi, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình bệnh sởi tại một số tỉnh, thành phố có diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh; đề nghị các địa phương lập kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch.
Rà soát, đẩy mạnh tiêm chủng
Các chuyên gia cũng cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát (theo chu kỳ 4-5 năm/lần). Trước đó, hai chu kỳ gần nhất là năm 2019 và năm 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao (năm 2014 có trên 110 trẻ tử vong do mắc sởi)…
Trước đó, Bộ Y tế đã có đánh giá nguy cơ, kế hoạch phòng chống sởi năm 2024; trong đó 63 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đánh giá nguy cơ dịch sởi trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả đánh giá cho thấy, có 7/63 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng… Từ đó, triển khai các biện pháp chuyên môn kịp thời để phòng, chống dịch sởi; tiếp tục rà soát các biện pháp giám sát, phòng chống dịch sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, nhằm hạn chế lây lan.
Đặc biệt, về công tác tiêm chủng phòng bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiếp tục duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các mũi vaccine sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine chứa thành phần sởi. Tổ chức tiêm chiến dịch để phòng, chống sởi tại 14 tỉnh…
Về việc đảm bảo vaccine cho tiêm chủng, từ tháng 4 - tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã cung cấp đủ vaccine sởi cho tiêm chủng mở rộng, bảo đảm mỗi tháng đủ 7,5% số trẻ được tiêm vaccine sởi. Bộ Y tế cũng rà soát số trẻ trên cả nước chưa tiêm vaccine sởi, những địa phương nào còn trẻ chưa tiêm đủ mũi sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét, không để dịch sởi ra tăng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vaccine chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Theo TTXVN