Chắp cánh cho văn học thời đại 4.0

Cập nhật: 16-02-2022 | 09:02:09

Trước muôn vàn kênh giải trí của thời đại công nghệ 4.0, văn học vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần làm cho cuộc sống của con người thi vị hơn. Vì thế, Bình Dương luôn quan tâm và tạo điều kiện để các ngòi bút tỏa sáng những giá trị nghệ thuật của cuộc sống.


Các hội viên Phân hội Văn học được khen thưởng trong hội nghị tổng kết hoạt động Văn học Nghệ thuật tỉnh năm 2020

Khắc họa cuộc sống sinh động

Văn học Bình Dương trong những năm qua đã có bước phát triển và định hình khá rõ nét. Số lượng tác phẩm thơ, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết… tăng gấp nhiều lần. Phân hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ Thuật của tỉnh có thêm nhiều cây bút trẻ, khá sung sức, thường xuyên có tác phẩm đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ địa phương và các báo khác trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có những tác giả đoạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh; phần lớn các tác giả đều có tác phẩm được in ấn, xuất bản giới thiệu rộng rãi trong công chúng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học của công chúng và bảo đảm nhiệm vụ chính trị, nhiều tác giả văn học đã mạnh dạn đổi mới phong cách sáng tác, tránh đi vào những tư duy sáo mòn, cũ kỹ mà trước đây đã trở thành thói quen khó sửa. Nhiều cây bút có nhiều sáng tạo mới trong hầu hết tác phẩm, tạo ấn tượng tốt với bạn đọc, có thể kể đến như: Lê Minh Vũ, Phan Đức Nam, Mai Lam, Nguyễn Phượng, Phan Hai, Đào Văn Đạt, Đỗ Mỹ Loan, Võ Thị Nhạn, Nguyễn Thị Kim Ngoan, Trăng Khuyết, Lê Thị Bạch Huệ…

Một điểm đáng mừng là lực lượng sáng tác trẻ cũng đã được phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, như: Bùi Thị Phương Lan, Phùng Hiếu, Phạm Đắc Vy Thảo, Nguyễn Minh Ngọc Hà, Nguyễn Thị Kim Mai, Nguyễn Hoài Hương, Trần Phan Đinh Lăng… Các tác giả trẻ mỗi người có thế mạnh riêng đang góp sức mình làm cho văn học Bình Dương ngày càng phát triển và có sức sống mới.

Ấn tượng nhất trong thời gian qua là 7 tập sách mẹ Việt Nam anh hùng được xuất bản, với hơn 2.000 mẹ được khắc họa chân dung. Chia sẻ với chúng tôi, tác giả Nguyễn Minh Ngọc Hà cho biết việc hoàn thành các tập sách viết về mẹ Việt Nam anh hùng là một nỗ lực rất lớn và rất đỗi tự hào của Phân hội Văn học. Tuy có những khó khăn trong quá trình đi lại lấy tư liệu, những nhân chứng sống không còn, kỷ vật, kỷ niệm đã phôi pha mà hiếm ai còn nhớ, nhưng với tinh thần của người cầm bút, các tác giả đã từng bước vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà hội giao.

Cần chắp thêm cánh cho văn học

Bên cạnh sự sáng tạo miệt mài của các tác giả thì việc đưa tác phẩm đến gần với công chúng đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các nguồn lực. Tuy Bình Dương có nhiều sân chơi văn học nghệ thuật thiết thực và ý nghĩa, song vẫn cần có thêm các cuộc thi như: Viết về đời sống công nhân trong quá trình phát triển công nghiệp, về thiếu nhi, học đường… để có các tác phẩm phản ánh đa dạng, phong phú, tránh lặp lại đề tài nhàm chán.

Về việc in ấn các tác phẩm văn học, qua ghi nhận của chúng tôi, hiện nay nhu cầu giới thiệu và quảng bá tác phẩm của các tác giả đến công chúng là rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các tác giả phải tự in ấn tác phẩm của mình vì hội chỉ đủ kinh phí hỗ trợ cho 2 tác giả/ năm, tương đương với 2 đầu sách. Vì thế, Phân hội Văn học cũng đã đề xuất tăng lên 3 hoặc 4 đầu sách mỗi năm. “Hy vọng tỉnh sẽ bố trí thêm kinh phí cho các trại sáng tác, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm khích lệ, động viên và nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên”, tác giả Ngọc Hà chia sẻ.

Theo ông Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Phân hội Văn học là nơi để các tác giả yêu thích văn chương trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề rất bổ ích, gây nhiều “men cảm xúc” cho các tác giả. Số lượng hội viên chuyên ngành văn học là 47 người, nhưng chỉ có 1 tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (nhà thơ Cát Du). Đây là một điều thiệt thòi cho đội ngũ sáng tác văn học ở Bình Dương. Trong nhiệm kỳ tới, Phân hội Văn học cần nỗ lực nhiều hơn nữa, tạo điều kiện để các hội viên địa phương đạt tiêu chuẩn kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Theo ông Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, để các tác giả có thêm động lực sáng tạo, các tác phẩm đến gần hơn với công chúng, cần có sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo tỉnh, cũng như các nguồn lực trong xã hội để chắp cánh cho văn học bay cao, bay xa hơn, lan tỏa những nét đẹp văn hóa đặc trưng của Bình Dương, những giá trị nghệ thuật giàu tính nhân văn của văn hóa trong thời đại 4.0 hiện nay.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1139
Quay lên trên